Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái phỏng vấn với đồng chí Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn về vấn đề này.
-Xin đồng chí cho biết kết quả việc tổ chức học tập, nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết số 10- NQ/TW của địa phương?
Đồng chí Đinh Văn Trường: Công tác chuẩn bị triển khai, quán triệt Nghị quyết, Chương trình của huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, chu đáo. Trong triển khai, học tập Nghị quyết có xây dựng, chương trình, kế hoạch hướng dẫn thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Hội nghị tổ chức triển khai đúng theo nội dung tinh thần hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Tinh thần học tập của cán bộ, đảng viên (CBĐV) nghiêm túc, ghi chép đầy đủ và nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Sau mỗi hội nghị đều có tổng kết, giải đáp những vấn đề đặt ra chưa được thông suốt trong quá trình học tập; CBĐV sau khi học tập viết bài thu hoạch đầy đủ và nộp về Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổng hợp, đánh giá báo cáo Thường trực Huyện ủy. Các phòng, ban đơn vị nghiêm túc triển khai việc xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết tới toàn thể CBĐV của đơn vị và nhân dân.
Đến hết ngày 20/8/2017, có 58/58 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy đã hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với 7.640/7.796 đảng viên toàn huyện tham gia học tập đạt 98,6%. Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đã triển khai, quán triệt tới các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và nhân dân đạt tỷ lệ trên 87%.
Ngay từ khi thực hiện Nghị quyết 10 NQ/TW, cuối năm 2017 huyện Văn Chấn đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có trên 100 doanh nghiệp (DN), trên 4.000 hộ kinh doanh đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) có hiệu quả, đến năm 2025 có 166 DN, 4.800 hộ kinh doanh hoạt động sản xuất hiệu quả và đến năm 2030 có trên 220 DN, 5.600 hộ kinh doanh hoạt động sản xuất hiệu quả.
- Vậy kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu chủ yếu nêu tại Nghị quyết 10 tại Văn Chấn đạt được như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Văn Trường: Địa phương có 315 DN chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thu hút trên 6.500 lao động, nguồn vốn SXKD trên 4.171 tỷ đồng. Kinh tế cá thể phát triển mạnh, toàn huyện có 3.148 hộ kinh doanh với nguồn vốn 425,6 tỷ đồng. Việc thu hút đầu tư trong nước, đến nay, trên địa bàn huyện có 77 dự án đầu tư; tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.999 tỷ đồng và 81,6 triệu USD; kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng và có chuyển biến tích cực.
Đến hết 30/8/2023, toàn huyện có 87 hợp tác xã, thu hút trên 4.600 thành viên HTX, tổng vốn điều lệ là 135.016 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 65 triệu đồng/người/năm; tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.638 lao động địa phương.
Trong tổng số 278 cán bộ HTX có 56 cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp; 28 lượng cán bộ quản lý đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên; số cán bộ có trình độ sau đại học. Nhìn chung, kinh tế tập thể đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn.
Hàng năm, UBND huyện đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Cụ thể hóa nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, phân tích từng chỉ số còn thấp và đề ra các giải pháp cụ thể để từng ngành, địa phương. Bộ phận phục vụ hành chính cấp huyện, xã, thị trấn đi vào hoạt động góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân, DN; kiểm soát thủ tục hành chính được tăng cường thực hiện; việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế…
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ hồ sơ, thủ tục thành lập HTX, xây dựng, đất đai… cho DN, nhà đầu tư được đẩy mạnh thực hiện và từng bước đáp ứng được kỳ vọng của DN, nhà đầu tư. Trong quá trình điều hành, huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường công khai, minh mạch trong giải quyết các công việc cho nhà đầu tư và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện thủ tục hành chính cho DN…
- Cụ thể các hình thức hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (CĐS), khởi nghiệp sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Văn Trường: Để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ CĐS, huyện đã chỉ đạo hoàn thành 42/48 nhiệm vụ về CĐS theo kế hoạch. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm nông nghiệp, các hộ sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm, thời vụ thu hoạch để chia sẻ cho các DN nắm bắt lên kế hoạch hỗ trợ SXKD. Duy trì hoạt động có hiệu quả tổ CĐS cộng đồng. Tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có chuyên môn cao vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện.
Xây dựng chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về an toàn, an ninh mạng phục vụ trong các cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện cho các DN, HTX tham gia, hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị như phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn huyện đã xây dựng các HTX, tổ hợp tác trồng dâu để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị dâu tằm, thúc đẩy chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ tơ tằm, lụa. Tổ chức liên kết các hộ chăn nuôi để hình thành các HTX, tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại tập trung. Phát triển gia cầm đặc sản, hữu cơ của địa phương đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, định hướng kết hợp với thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải để tạo nên chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa trở thành điểm lưu trú cho khách du lịch trên tuyến du lịch thuộc huyện, góp phần phát triển kinh tế thông qua dịch vụ…
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quang Thiều (thực hiện)