Tín chỉ Carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 Việc mua bán sự phát thải khí CO2 trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.
Tín chỉ Carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2. Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch.
Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020 đã khuyến khích các quốc gia mua bán tín chỉ Carbon, nên đây là cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua tín chỉ Carbon tại rừng của tỉnh Yên Bái.
Theo tính toán, nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn cho thấy, nếu tính khả năng hấp thụ Carbon đối với rừng gỗ là rừng tự nhiên (phần lớn là rừng thứ sinh) nên phát triển bình thường nếu không có tác động tiêu cực tới phát triển của rừng (thời tiết, sâu bệnh, chặt phá rừng...). Tổng lượng tăng trưởng của rừng gỗ là rừng tự nhiên toàn tỉnh (nếu lấy mức tăng trưởng bình quân 4,5 m3/ha/năm); khả năng hấp thụ Carbon của rừng trồng 15m3/ha/năm thì tổng lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng tự nhiên là rừng gỗ và rừng trồng toàn tỉnh là 4.723.088 tấn CO2/năm và giả thiết toàn bộ lượng Carbon được hấp thụ bởi rừng gỗ là rừng tự nhiên được bán ra nước ngoài với giá thấp nhất khoảng 5 USD/tấn CO2 (bằng với giá Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký bán cho Ngân hàng Thế giới vùng Bắc Trung bộ) thì giá trị của tín chỉ Carbon hàng năm trên toàn tỉnh sẽ là 547,52 tỷ đồng/năm.
Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Với diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao, Yên Bái là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ Carbon. Trên cơ sở yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã cung cấp đầy đủ số liệu về lâm nghiệp để tính toán phát triển thị trường Carbon ở Yên Bái và vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Trong khi chờ Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, Yên Bái cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi một số điểm và sớm ban hành Nghị định 156 (sửa đổi) hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp để phù hợp hơn khi tham gia thị trường tín chỉ Carbon và thuê đơn vị tư vấn đánh giá khả năng phát thải và nhu cầu hấp thụ Carbon để có những phương án phù hợp khi thực hiện thị trường tín chỉ Carbon”.
Ông Giang cho biết, Yên Bái đã thực hiện cơ cấu cây trồng rừng sản xuất chủ yếu là những loài cây sinh trưởng nhanh, có năng suất cao, đang được trồng rộng rãi tại địa phương như: bạch đàn, keo, quế, bồ đề.... Riêng cây quế đã được nhân dân trồng từ lâu, có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng và mang lại giá trị kinh tế cao. Đối với rừng trồng phòng hộ, cơ cấu cây trồng chủ yếu gồm các loài cây bản địa có khả năng thích nghi cao với điều kiện lập địa như: thông mã vĩ, pơ mu, sơn tra, vối thuốc...
Thông qua việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển rừng, tỉnh Yên Bái cơ bản đã hình thành các vùng rừng trồng chuyên canh, tập trung phục vụ cho chế biến trong và ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng phát triển thị trường Carbon tại địa phương; qua đó cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao năng suất rừng trồng, bảo vệ bền vững tài nguyên rừng.
Được biết, trong chuyến công tác tại Pháp và Italia trong tháng 10 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đã mong muốn các địa phương của hai quốc gia nơi đến làm việc với các hoạt động hợp tác trong giai đoạn tới đây sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án phát triển cộng đồng; hỗ trợ trồng rừng và phát triển thị trường tín chỉ carbon cho tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Giàng A Câu cho biết: "Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tham gia Dự án tín chỉ Carbon của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thí điểm 1.000 ha tại tỉnh Yên Bái. Khi tham gia Dự án, với các chủ rừng, nông dân sẽ nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ. Đây là một cơ hội tốt cho nông dân tỉnh nhà phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng”.
Sau khi thị trường Carbon ở Việt Nam vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển thị trường này. Đây là lĩnh vực mới, tác động đa ngành, đa lĩnh vực; chưa có kinh nghiệm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về nội dung này chưa được hoàn thiện nên việc tiếp cận, triển khai còn rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn.
Để phát triển thị trường Carbon, Yên Bái cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế, chính sách đến thực hiện về hạ tầng. Đồng thời trên cơ sở các quy định của pháp luật về phát triển thị trường Carbon, tỉnh sẽ ban hành các văn bản, đề án tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương.
Yên Bái sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%; phấn đấu độ che phủ rừng giai đoạn 2022-2025 đạt từ 63,5% đến 65% nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, giám sát chặt chẽ các hoạt động phát thải của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ phát thải cao như: xi măng, giấy, năng lượng… nhằm mục tiêu toàn bộ khí thải phải được kiểm kê.
Một yếu tố quan trọng nữa để vận hành được thị trường carbon, Yên Bái cần có sự tham gia chủ động của doanh nghiệp một cách tích cực, hiệu quả và cơ quan, đơn vị liên quan chủ động giúp đỡ doanh nghiệp, chủ rừng trong việc nâng cao nhận thức về thị trường Carbon, kết nối doanh nghiệp, chủ động chuẩn bị tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng thị trường, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường tín chỉ Carbon để phát triển thị trường Carbon phù hợp, phát triển bền vững với diện tích rừng hiện có.
Mạnh Cường