Hiện nay, toàn tỉnh có trên 463.811 ha đất có rừng; trong đó, diện tích có rừng 434.120,2 ha, diện tích chưa thành rừng 43.153 ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 63%.
Để bảo vệ tốt vốn rừng hiện có và phát triển rừng ngay tại cơ sở, lực lượng kiểm lâm đã bố trí đủ cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn ở tất cả các xã, phường, thị trấn để kịp thời tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý BVR, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ để quản lý lâm sản hợp pháp; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 83 vụ vi phạm, xử lý 83 vụ; trong đó, 78 vụ xử phạt hành chính, 5 vụ khởi tố hình sự; tịch thu 25,72 m3 gỗ các loại, 1 máy xúc, 2 cưa xăng, tiền phạt hành chính, tiền bán hàng lâm sản thu được trên 840 triệu đồng.
Tuy có nhiều chuyển biến trong công tác BVR, PCCCR nhưng tại một số địa phương tình trạng phát phá, xâm lấn đất rừng, đặc biệt là xâm lấn đất rừng tự nhiên, khai thác lâm sản nhỏ lẻ trái pháp luật, vi phạm pháp luật về PCCCR vẫn còn diễn ra, nhất là tại các khu vực còn nhiều tài nguyên rừng, khu rừng đặc dụng, khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Theo lực lượng chức năng, thông thường cuối năm hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp. Các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trái phép thường lợi dụng sự lơ là của đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng để tăng cường hoạt động, nhất là ở các địa phương còn giàu tài nguyên rừng. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt của mùa khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý BVR và PCCCR trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành của huyện (kiểm lâm, công an, quân đội) phối hợp với chính quyền cơ sở, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, BVR, phát triển rừng và thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR tại cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết BVR, PCCCR với các hộ dân, cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn..., hỗ trợ các chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái phép; mua bán lâm sản, động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái pháp luật; chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở đôn đốc các chủ rừng tiếp tục thực hiện các biện pháp BVR và PCCCR trên diện tích được giao.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân địa phương, nhất là việc đốt nương làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ nắng nóng, khô hạn kéo dài. Hiện nay, các hạt kiểm lâm cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra, truy quét, kiểm soát lâm sản cuối năm đặc biệt trước và sau tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng tại gốc là nhiệm vụ thường xuyên của ngành. Thời điểm cuối năm hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp, đơn vị đã xây dựng kế hoạch truy quét tại những khu vực trọng điểm; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát lâm sản tại các vùng trọng điểm, các vùng giáp ranh với các địa phương khác, cũng như các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng”.
Văn Thông