Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký Quyết định số 1490/QĐ – BGTVT công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. So với Quyết định số 522/QĐ-BGTVT ngày 20/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải về việc Công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, danh mục bến cảng biển Việt Nam được bổ sung 14 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc cảng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Quyết định số 1490/QĐ – BGTVT còn chia các bến cảng theo từng địa phương thay vì từng khu vực như quy định cũ.
Cụ thể, theo Quyết định số 1490/QĐ – BGTVT, tại khu vực phía Bắc gồm: Quảng Ninh có 14 bến, Hải Phòng có 50 bến, Nam Định 3 bến, Thái Bình 2 bến. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa 10 bến, Nghệ An 7 bến, Hà Tĩnh có 6 bến. Tại vùng Trung Trung Bộ gồm: Quảng Bình 4 bến, Quảng Trị 2 bến, Thừa Thiên-Huế 2 bến, Đà Nẵng 8 bến, Quảng Nam 3 bến, Quảng Ngãi 8 bến, Bình Định 4 bến, Phú Yên 1 bến. Vùng Nam Trung Bộ gồm: Khánh Hòa 17 bến, Ninh Thuận 3 bến, Bình Thuận 6 bến.
Tại khu vực Đông Nam Bộ gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có 47 bến, Bình Dương 1 bến, Đồng Nai 18 bến, Tp. Hồ Chí Minh 40 bến. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An 3 bến, Tiền Giang 2 bến, Đồng Tháp 3 bến, Bến Tre 1 bến, Vĩnh Long 3 bến, Cần Thơ 17 bến, Hậu Giang 2 bến, Sóc Trăng 1 bến, Trà Vinh 2 bến, An Giang 1 bến, Kiên Giang 4 bến và Cà Mau 1 bến.
Mặc dù giữ nguyên 296 bến cảng nhưng Quyết định số 1490/QĐ-BGTVT đã thay đổi về số lượng bến cảng ở nhiều khu vực; trong đó, tại Hải Phòng không còn bến cảng Cơ khí Hạ Long và bến cảng Biên Phòng.
Tại Tp. Hồ Chí Minh không còn các bến cảng Tân Cảng, bến cảng xi măng Holcim Hiệp Phước và bến cảng Nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển Ba Son. Bến cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang và bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee & Man thuộc về cảng biển Hậu Giang, thay vì cảng biển Cần Thơ như trước. Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng cũng thuộc khu vực cảng biển Sóc Trăng, thay vì Cần Thơ.
Quyết định mới bổ sung một số bến cảng mới, bao gồm: Bến cảng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa), Bến cảng chuyên dùng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và Bến cảng thuộc Dự án Khu phát triển Gas&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Bến cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná (Ninh Thuận), Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý, khai thác bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hàng năm tổ chức cập nhật, trình Bộ Giao thông Vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông được Bộ Giao thông Vận tải giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trong tổ chức quản lý, khai thác và công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.
Trước đó, ngày 24/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ những dự án phát triển hạ tầng cảng biển kêu gọi đầu tư tư nhân...
Đáng chú ý tại quyết định này, liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, Quyết định số 886/QĐ-TTg nêu rõ ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông Vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện 29 dự án; trong đó, dự án có nhu cầu vốn lớn nhất là đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn khoảng 8.000 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2030.
Cũng trong quyết định này, các dự án phát triển hạ tầng cảng biển kêu gọi đầu tư thực hiện sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp theo tiến độ quy hoạch được duyệt cũng được đề cập rõ ràng. Tùy theo tình hình tăng trưởng hàng hóa và năng lực của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các bến cảng.
Để thực hiện quy hoạch nêu trên, Quyết định số 886/QĐ-TTg đề ra các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng. Theo đó, tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực cho lập quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách.
Cùng với đó, cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải công cộng (hệ thống luồng hàng hải, các công trình đèn biển, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, các công trình phụ trợ) theo lộ trình quy hoạch phát triển cảng biển được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư cảng biển và các hạ tầng liên quan tại khu vực. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức liên quan thuộc các đối tác chiến lược của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác để thu hút vốn đầu tư hạ tầng cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển…
(Theo VTV)