Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã Đại Lịch xác định, NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Bởi vậy, khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016, xã đã bắt tay ngay vào việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí làm bước đệm để xây dựng xã NTM nâng cao.
Ông Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: NTM nâng cao là bước phát triển cao hơn so với NTM, các tiêu chí cũng được yêu cầu phát triển theo chiều sâu, trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lên một "tầm cao mới”. Bởi vậy, xã đã làm rõ những tiêu chí mới, chỉ tiêu mới trong các tiêu chí cũ để xác định khó khăn, nguyên nhân, cách làm, từ đó tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực và vai trò chủ thể của mình.
"Đồng thời, xã cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục phương châm "dân làm, dân hưởng thụ, Nhà nước hỗ trợ”, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển địa phương” - ông Lợi nói.
Một trong những khó khăn của Đại Lịch trong quá trình từ XDNTM hay NTM nâng cao là xã đều dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.
Bởi vậy, xã đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế của xã; tổ chức vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức lại sản xuất, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết với người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã theo chuỗi giá trị...
Nhờ đó, kinh tế, xã hội dần tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch ngày càng hợp lý. Xã đã hình thành 27 cơ sở chăn nuôi hàng hóa nhỏ và vừa; các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích 105 ha, sản lượng 1.200 tấn/năm, giá trị trên 10 tỷ đồng; vùng sản xuất chè nguyên liệu có 170ha, sản lượng trên 3.000 tấn/năm, giá trị trên 9 tỷ đồng; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có 245ha; vùng trồng cây ăn quả các loại có 165 ha cũng được hình thành cùng các chuỗi liên kết.
Kinh tế phát triển, người dân ngày càng có điều kiện phát huy nội lực và vai trò chủ thể của mình.
7 năm nay, Đại Lịch đã huy động được 85 tỷ đồng XDNTM nâng cao, trong đó, nhân dân đóng góp 32,1 tỷ đồng và hiến 1,9 ha đất. Với nguồn vốn này, xã đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng: giao thông, thiết chế văn hóa, trường học…
Bởi vậy, về Đại Lịch hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống đường sá không chỉ được đầu tư mở rộng, cứng hóa 100% giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn được trồng cây xanh bóng mát, có đường hoa, có hàng rào, có biển chỉ dẫn, có ánh điện sáng mỗi khi đêm xuống.
Những căn nhà khang trang được dựng lên ngày một nhiều, thay dần cho những căn nhà không đạt chuẩn của ngày trước, giúp xã có 99,38% nhà đạt chuẩn.
Hệ thống trường lớp ở các bậc học được quan tâm đầu tư xây dựng đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu dạy và học cho giáo viên, học sinh; có cả mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền phù hợp với học sinh từng bậc học.
Các thiết chế văn hóa không chỉ ở 7/7 nhà văn hóa đảm bảo đủ diện tích, chỗ ngồi, hệ thống loa đài, tăng âm mà còn có sân chơi lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, có hạ tầng wifi phủ sóng, có thư viện với trên 50 đầu sách/thư viện… đáp ứng cao hơn nhu cầu sinh hoạt, hội họp, vui chơi, giải trí cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở xã Đại Lịch đã đạt 51,87 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%.
Ông Trần Văn Phùng ở thôn Kè chia sẻ: "Nhờ XDNTM nâng cao, quê hương tôi đã trở nên "thay da đổi thịt”, văn minh, hiện đại trông thấy. Đó chính là thành quả cho sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân”.
Đại Lịch hôm nay đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Đó không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị khi luôn lấy việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là cốt lõi.
Hoài Anh