Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Chu Thị Huế - Phó Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu để tìm hiểu về cách làm này.
P.V: Thực trạng hệ thống giao thông trên địa bàn xã hiện nay như thế nào? Thưa đồng chí!
Đồng chí Chu Thị Huế: Năm 2021, sau khi tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, xã Suối Bu đã tiến hành rà soát lại các tiêu chí; trong đó, đặc biệt quan tâm tới tiêu chí giao thông, bởi đây là tiêu chí khó, cần một nguồn lực đầu tư lớn cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân mới có thể thành công.
Lúc ấy, toàn xã còn 1,2 km đường trục xã chưa đạt tiêu chuẩn, chiều rộng mặt đường mới đạt 2,5 m; 5,5/6,7 km đường trục thôn, liên thôn và 1,8 km đường ngõ xóm chưa được bê tông hóa, đi lại khó khăn, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi bẩn.
Đây là một khối lượng công việc rất lớn, trong khi Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 40%), điều kiện tự nhiên địa hình không thuận lợi; các thôn không tập trung, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế.
Đồng chí Chu Thị Huế - Phó Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu.
Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo trong trong công tác huy động các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đến nay, 1,2 km đường trục xã đang được mở rộng nền đường lên 6,5 m để đạt tiêu chuẩn với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia và dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành công trình này.
Từ năm 2021, xã cũng đã tiến hành bê tông được 4 km đường trục thôn, liên thôn; 1,2 km đường ngõ xóm. Nhờ đó, toàn xã hiện có 77% đường trục thôn, liên thôn, 85% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Như vậy, cơ bản xã đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.
P.V: Vậy, xã Suối Bu đã làm thế nào để có thể huy động được các nguồn lực đầu tư cho đường GTNT, trong khi nguồn lực trong nhân dân rất hạn chế?
Đồng chí Chu Thị Huế: Hầu hết, việc bê tông các tuyến đường nêu trên, nhân dân chỉ đóng góp công, hiến đất và cơ bản ít phải đóng góp vật chất. Nếu có đóng góp thì khá ít, phù hợp với tình hình kinh tế của nhân dân để mua cát, sỏi. Để hoàn thiện và phát triển hệ thống đường GTNT, Đảng ủy xã xác định, việc cần làm đầu tiên là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trên tinh thần "dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Trong quá trình tuyên truyền thì trước hết phải tác động vào tâm lý đồng bào. Phải nói về lợi ích rồi mới tính đến đóng góp, mà đóng góp thì cố gắng ít một, lấy công thay tiền, làm từ từ, dần dần. Làm như vậy, nhân dân dần hiểu được trách nhiệm, tích cực tham gia hiến đất, mở đường và hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường GTNT.
Đến nay, đã có hàng nghìn mét vuông đất, cây cối, hoa màu và hàng nghìn công lao động được người dân hiến, đóng góp để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường GTNT. Thứ nữa là, tích cực huy động lồng ghép các nguồn lực khả thi như: các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135… và nguồn lực xã hội hóa.
Thời gian qua, với sự phát triển của mạng xã hội, xã đã kết nối được với nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện trên toàn quốc để hỗ trợ nhân dân mở rộng, bê tông đường GTNT. Năm 2021 - 2022, xã đã phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ xi măng và kinh phí để bê tông 300 m đường ở thôn Làng Hua; trên 1,2 km ở thôn Bu Cao; 600 m đường trục thôn ở thôn Ba Cầu và làm cống rãnh ở thôn Bu Thấp. Trước đó thì phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới cũng đã bê tông được khá nhiều các tuyến đường ngắn, rải rác ở khắp các thôn.
Trong tương lai, khi những đồi tre măng Bát độ, na Đài Loan... trong xã phát triển mạnh, sản lượng lớn, hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ giúp bà con liên kết, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn; đồng thời, mở ra cho đồng bào nơi đây một hướng thoát nghèo bền vững.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoài Anh (thực hiện)