"Lỗ hổng”
Khu C, chợ Mường Lò là nơi buôn bán nông sản, thực phẩm động vật tươi sống và cũng là đầu mối cung cấp sản phẩm đi các huyện, thị phía Tây nên số lượng GSGC lưu chuyển rất lớn. Tại khu này, có khoảng trên 60 hộ kinh doanh và mua bán cả ngày.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tâm - nơi Chợ Mường Lò đứng chân cho biết: "Trên địa bàn hiện có 18 hộ giết mổ GSGC. Trên thực tế, con số này còn nhiều hơn, vì các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường giết mổ số lượng ít, bán tại nhà nên không kiểm soát được”.
Nguyên nhân, một phần là kể từ năm 2018, bộ phận thú y đã sáp nhập với Trạm Khuyến nông và Trồng trọt. Như vậy, cán bộ thú y thị xã không có chức năng kiểm tra, kiểm dịch tại các lò mổ và các cơ sở kinh doanh thịt GSGC. Trước đây, để đảm bảo an toàn dịch bệnh và thực phẩm trong giết mổ GSGC, cán bộ thú y thực hiện kiểm soát căn cứ vào Khoản 1, Điều 69 của Luật Thú y năm 2015.
Theo đó, trong trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) thì việc giết mổ được thực hiện tại cơ sở nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Cán bộ thú y đã yêu cầu các cơ sở giết mổ phải xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.
Khi các cơ sở được cấp giấy chứng nhận công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống; sản phẩm có nhu cầu xuất bán được kiểm dịch nhanh trong một ngày theo quy định.
Hiện nay, thực hiện công tác này là Chi cục Thú y tỉnh nhưng nhân lực ít, địa bàn rộng, có cán bộ cả năm không đi hết được 1 lượt các điểm giết mổ. Còn những "người tiêu dùng lạc quan” ở Nghĩa Lộ, muốn được ăn thịt đảm bảo chất lượng và được kiểm soát bệnh dịch đầy đủ thì chỉ hy vọng vào sự may mắn.
Khu giết mổ tập trung đang ở đâu?
Các hộ nhỏ lẻ thường giết mổ từ 1- 3 con lợn/ngày; 10 - 20 trâu, bò/hộ/tháng. Hộ giết mổ có quy mô lớn trên 5 con lợn/ngày có 16 hộ, tập trung chủ yếu tại 4 phường trung tâm của thị xã. Hoạt động giết mổ GSGC được tiến hành tại các hộ; do đó, công tác kiểm soát gặp khó khăn, thường không đảm bảo vệ sinh thú y; an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường...
Nguyên nhân chính là do thị xã không có cơ sở giết mổ GSGC tập trung. Việc xây dựng khu giết mổ GSGC tập trung đã được tỉnh triển khai nhưng chưa thực hiện được.
Năm 2016, tỉnh đã xây dựng "Dự án Quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư vào xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; cung cấp sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe con người, hạn chế dịch bệnh lây lan trên đàn GSGC; phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Được biết, dự án này, tỉnh quy hoạch 11 điểm giết mổ GSGC tập trung ở các huyện, thị và đã được phê duyệt, nhưng trên thực tế, kinh phí nhà nước còn khó khăn, trong khi các địa phương chưa kêu gọi được vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN).
Tại thị xã Nghĩa Lộ, quy hoạch cơ sở GMĐVTT của tỉnh đặt tại thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc. Địa điểm này phù hợp, đầy đủ các điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở GMĐVTT như: vị trí, quỹ đất, đường giao thông, điện, nước, xử lý môi trường…
Song, khó nhất là huy động được vốn đầu tư của các DN. Thị xã triển khai khảo sát và kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa một DN nào đăng ký. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chủ trương hỗ trợ chi phí vận hành công trình xử lý chất thải trong hàng rào được đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách Nhà nước trong 2 năm đầu đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Ngoài ra, còn hỗ trợ các DN và các cơ sở lưu thông phân phối, đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cửa hàng bán thịt đảm bảo vệ sinh nhằm tăng cường khả năng chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm giết mổ công nghiệp.
"Thảm đỏ mời đầu tư thì đã trải”, nhưng các DN muốn đầu tư là phải có lãi. Muốn có lãi thì các cơ sở giết mổ phải phát huy hết công suất. Có nghĩa là, tất cả các thương lái giết mổ động vật phải tập trung về cơ sở. Điều này, các địa phương "chưa dám hứa”. Như vậy, các DN khoanh tay đứng nhìn là một sự đương nhiên.
Khó khăn nữa đối với huyện, thị là nhân lực tại các cơ sở GMĐVTT. Các cơ sở GMĐVTT được đưa vào vận hành thì bộ máy quản lý tối thiểu phải có kiểm dịch viên trạm chăn nuôi, thú y thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra VSTY hoặc do cơ quan thú y xã, phường thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra VSTY dưới sự giám sát về kỹ thuật của trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị.
Mỗi cơ sở GMĐVTT có phòng thú y, trang bị một số dụng cụ xét nghiệm ký sinh trùng, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm vi sinh, hóa sinh và bảo quản mẫu xét nghiệm. Mỗi cơ sở GMĐVTT cần 1 - 2 cán bộ thú y trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ... Nếu trong một vài năm tới, các cơ sở GMĐVTT được xây dựng thì việc vận hành gặp khó khăn vì thiếu cán bộ chuyên môn.
Mấu chốt là "cơ chế”
Theo quy định, Chi cục Thú y tỉnh mới có thể ra quyết định kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ GSGC. Vì vậy, việc cần thành lập các trạm theo từng địa bàn mới có thể quản lý chặt chẽ được việc giết mổ và kiểm dịch được GSGC trước khi đưa ra thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, cần có các "chiến dịch” quảng cáo cho sản phẩm GMĐVTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết các cơ sở thực hiện tốt; kiên quyết tẩy chay các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt GSGC.
Để xây dựng khu GMĐVTT, thiết nghĩ, nên căn cứ vào Nghị định số 43 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để có chính sách cụ thể, quy hoạch các các cơ sở GMĐVTT; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất để đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở GMĐVTT; triển khai chính sách hỗ trợ về đất đai.
Ví dụ, nhà đầu tư cơ sở GMĐVTT nếu được giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó, miễn tiền thuê đất. Nhà đầu tư cơ sở GMĐVTT theo dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi được hỗ trợ tiền thuê đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở cấp ban hành chính sách vĩ mô, cần xem xét, bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới cơ sở GMĐVTT; ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư tới xây dựng các cơ sở GMĐVTT đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP và môi trường.
Cùng đó, các địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngọc Sơn