Anh Mùa A Sử, nông dân ở bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên sau khi được cán bộ xã tuyên truyền về phát triển kinh tế, xây dựng NTM đã mạnh dạn thay đổi mô hình làm kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình. Anh Sử chia sẻ: "Gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cho thu nhập ổn định. Từ ngày xây dựng NTM, gia đình cũng tích cực tham gia các hoạt động chung của thôn, xây dựng đời sống văn hoá ở thôn bản, giữ gìn và bảo vệ rừng…”.
Trước
tiềm năng du lịch rộng mở, Nà Hẩu đã có nhiều hộ gia đình đăng ký hoạt động du lịch cộng đồng.
Gia đình ông Tráng A Nhà, thôn Trung Tâm đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, tân trang ngôi nhà sàn thành 6 phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi và một số dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong nước và quốc tế... Đặc biệt, được tuyên truyền đầy đủ, cùng với sự sát sao của cán bộ xã, người dân Nà Hẩu đã tích cực tham gia hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM của xã.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Cán bộ và nhân dân xã Nà Hẩu đã nhận thức đúng đắn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng NTM. Bên cạnh đó, kỹ năng dân vận, ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn được nâng cao, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, đúng trọng tâm, trọng điểm từng phần việc theo kế hoạch đã đề ra. Xã lấy người dân là trung tâm để xây dựng NTM nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự giác tham gia; thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất phù hợp với lợi thế của địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội từng bước xóa đói giảm, nghèo bền vững. Nhờ đó đến nay xã đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí NTM”.
Trong hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM, xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động nhân dân xã hội hóa cùng với các nguồn vốn thuộc các chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đường ngõ xóm. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn cơ bản đáp ứng các yêu cầu dân sinh và sản xuất của địa phương được thuận lợi. Hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng đảm bảo tưới tiêu chủ động phục vụ sản xuất cho 128 ha lúa nước 2 vụ. Hệ thống điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang nhờ vào sự đồng lòng của người dân. Toàn xã hiện có 499/499 nhà ở đạt chuẩn theo quy định về nhà ở kiên cố, bán kiên cố, tỷ lệ đạt 100%.
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung vào sản phẩm chủ lực; thành lập hợp tác xã và các tổ hợp tác để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu với các cơ sở thu mua và chế biến tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết (trồng cây ăn quả, chăn nuôi…).
Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, xã luôn chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ sở chế biến trong sản xuất, từ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2023 xã có diện tích trồng lúa là 129 ha; sản lượng đạt 673 tấn; tổng diện tích trồng ngô 140 ha, sản lượng 526 tấn; thủy sản 2 ha, sản lượng đạt 6 tấn; tổng đàn gia súc chính hiện có là 1.760 con; trâu 353 con, sản lượng xuất chuồng trong năm đạt 30 tấn; bò 7 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm đạt 2,3 tấn; lợn 1.100 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm đạt 101 tấn… Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã đạt 42,29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều chiếm 12,8%.
Trong hơn 10 năm qua, xã đã thực hiện phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp dạy nghề huyện Văn Yên tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho lao động nâng cao năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định kinh tế tập thể ở nông thôn giữ vai trò chủ đạo trong các thành phần kinh tế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã trong những năm luôn tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Nà Hẩu có 2 hợp tác xã đăng ký hoạt động kinh doanh là Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Nà Hẩu; Hợp tác xã Dược liệu và du lịch Nà Hẩu xanh; 14 tổ hợp tác cơ bản hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và tiêu thụ sản phẩm. Các tiêu chí về giáo dục, y tế Nà Hẩu cũng nhanh chóng hoàn thiện với sự tham gia tích cực từ phía người dân. Cùng đó, người dân cũng tích cực thực hiện chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm; đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước ở các thôn…
Người dân Nà Hẩu đang thể hiện những nỗ lực đáng kể, tạo sự đổi thay trong xây dựng NTM qua việc đổi mới nông nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường hợp tác kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Thanh Ba