TẠO ĐÀ BỨT PHÁ NĂM "NƯỚC RÚT"
Năm 2023 đã khép lại với đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Từ đó, tạo dựng nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng lòng, quyết tâm tạo đà bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh trong năm "nước rút” 2024 với phương châm hành động: "Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
"Quả ngọt” năm "bản lề”
Năm 2023 được xem là năm "bản lề” thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương; sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển với nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu xếp thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm "nước rút” 2024. Cụ thể, đã có 16/32 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 13/32 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Điển hình như tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 19,4%; lượng khách du lịch tăng 31,4%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 56,4% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 với gần 1.600 căn nhà.
Đời sống, vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động của bộ máy chính quyền có nhiều đổi mới; trật tự, kỷ cương hành chính được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt kết quả rất tích cực…
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, tiếp tục kéo dài căng thẳng; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm, thương mại - đầu tư tiếp tục xu hướng thấp... Ở trong nước, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng hậu Covid-19; rủi ro của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; nguồn lực cho đầu tư phát triển bị hạn chế và tâm lý e dè của nhà đầu tư trước khó khăn chung sẽ tác động phần nào đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Tuy nhiên, với những kết quả tích cực đạt được trong năm 2023, cùng sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Giải pháp bứt phá năm "nước rút”
Xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh nên ngay từ tháng 11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.
Theo đó, xác định chủ đề của năm là "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi số; tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; phấn đấu cơ bản về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh” gắn với phương châm hành động "Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu nghiêm túc nhìn nhận và nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành, địa phương mình. Cùng với đó, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, gắn với trách nhiệm giải trình và thực thi nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị với mục tiêu xuyên suốt đã xác định là "Kết thúc năm 2024, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra” gắn với phương châm hành động: "Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Với chủ đề và phương châm hành động trên, ngay từ đầu năm 2024, Đảng bộ tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 188-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024. Qua đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm các đơn vị sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả. Triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đoàn Hữu Phung cho biết: "Ngay sau Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch chi tiết của ngành và bắt tay vào triển khai ngay từ những ngày đầu năm mới 2024. Theo đó, Sở xác định doanh nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan… Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh”.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình "Cà phê doanh nhân”, đa dạng hóa các hình thức đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư, duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Với những mục tiêu cụ thể cùng các giải pháp đồng bộ được triển khai bằng quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ là nền tảng vững chắc để năm 2024 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
KHẨN TRƯƠNG BẮT NHỊP SẢN XUẤT
Vượt lên những khó khăn của năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có những "điểm sáng” khi nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trên đà thắng lợi đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, các công xưởng, nhà máy từ thành thị đến nông thôn vẫn đang hoạt động hết công suất để kịp cung cấp hàng cho các bên đối tác.
Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì sự ổn định nhưng tăng trưởng thấp hơn dự báo; sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn.
Ngoài ra, các DN phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là sụt giảm của thị trường xuất nhập khẩu một số hàng hóa chủ lực, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu...
Sản xuất dâu tằm tơ tại Nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái.
Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã đạt được những kết quả nhất định: giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 16.920 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 107% so với năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355 triệu USD, bằng 101,4% kế hoạch...
Ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết: "Qua đánh giá, các DN đã chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Kết thúc năm 2023, kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước”.
Bước sang năm 2024, dự báo tình hình kinh tế cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng "tín hiệu” vui là nhiều doanh nghiệp đã ký kết được nhiều đơn hàng mới nên đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất ngay từ đầu năm. Ghi nhận tại xưởng sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên những ngày này, hoạt động sản xuất đang diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp, các công nhân phải tăng ca, tăng kíp để đảm bảo sản phẩm cung ứng cho bên đối tác.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa cho biết: "Từ cuối năm 2023, chúng tôi đã ký kết được nhiều đơn hàng nên hiện tại phải tăng ca thường xuyên. Đặc biệt, trong năm nay, đơn vị có nhiều đơn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Do vậy cùng với việc tăng ca, tăng giờ làm, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến khâu giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, đơn vị cũng đang có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất lên 20 - 25 nghìn m3 gỗ/năm nên cũng mong muốn tỉnh và các ngành chức năng tạo điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng”.
Cùng với các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, các DN, HTX chế biến chè cũng kỳ vọng vào những đổi thay trong năm 2024 khi nhiều sản phẩm đã vượt qua những kiểm định khắt khe của thị trường Âu, Mỹ để có những đơn hàng đầu tiên tại thị trường "khó tính” này.
Anh Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: "Kế hoạch trong năm 2024 của HTX sẽ sản xuất 15 tấn chè thành phẩm và cam kết thu mua giá chè đầu vào tăng 5% so với năm 2023. Để nâng cao thương hiệu cũng như giá trị của cây trà Shan thuyết cổ thụ địa phương, đồng thời bán các sản phẩm chè ra thị trường, chúng tôi đã và đang áp dụng các mô hình chuyển đổi số cho sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, Tiktok, Facebook… Định hướng dài hạn của chúng tôi là bảo tồn giá trị và hình ảnh của cây chè Shan tuyết cổ thụ như một di sản của đất nước. Chúng tôi đã và đang tìm hiểu các phương pháp xác định tuổi cho các cây chè, đồng thời cũng hướng dẫn và khuyến khích các hộ thành viên chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ”.
Bên cạnh những nỗ lực của DN, HTX, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ DN, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ DN, HTX như xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu; thường xuyên đối thoại với DN, HTX để nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh...
TẬP TRUNG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NGAY TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM
Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là điều kiện quan trọng để hoàn thành kế hoạch năm, ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương nỗ lực bắt tay vào sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu gieo cấy 1.995 ha lúa nước vụ đông xuân 2024, ngay từ những ngày đầu năm mới, thị xã Nghĩa Lộ chỉ đạo khối nông nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động nông dân tập trung làm đất gieo mạ xuống giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, giải phóng sức lao động.
Nông dân xã Thanh Lương thị xã Nghĩa Lộ làm đất gieo cấy lúa đông xuân 2024.
Bà Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Đơn vị đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động thu hoạch nhanh gọn diện tích cây vụ đông; hướng dẫn người dân biện pháp kỹ thuật làm mạ, gieo mạ. Tuyệt đối không cấy sớm hoặc cấy quá muộn; điều tiết nước cho lúa xuân hợp lý; bón phân cân đối; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân vi lượng, vôi bột để tăng khả năng chống chịu, phòng chống sâu bệnh hại, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho lúa đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt. Cử cán bộ phối hợp với các địa phương thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý đối với những diện tích lúa sau khi cấy bị chết rét. Kiên quyết chỉ đạo các địa phương vận động nông tập trung gieo cấy đúng khung thời vụ”.
Để thực hiện thắng lợi toàn diện 35 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, huyện Văn Yên đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tập trung triển khai Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm huyện Văn Yên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trồng mới ít nhất 400 ha dâu; riêng năm 2024 trồng mới 120 ha gắn với phát triển nghề nuôi tằm, bán kén…
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Căn cứ trên các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch ngay từ ngày đầu năm 2024 để triển khai thực hiện đảm bảo thời gian, tiến độ, chất lượng công việc”.
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu giành thắng lợi ngay từ đầu vụ làm tiền đề cho các vụ tiếp theo; phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,55%. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tổng sản lượng lương thực có hạt 319.000 tấn; sản lượng chè búp tươi 67.000 tấn, tổng đàn gia súc chính 872.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 75.000 tấn…
Để đạt mục tiêu, ngành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định.
Tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tiềm năng tham gia, xây dựng các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản; đầu tư, tham gia, liên doanh, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với thu mua, chế biến sản phẩm ổn định, bền vững. Tập trung xây dựng các vùng thâm canh, chuyên canh sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ. Chủ động các biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh; từng bước hình thành chuỗi sản xuất khép kín, ổn định, bền vững trong chăn nuôi.
Với sự nỗ lực cao ngay từ những ngày đầu năm mới 2024 của các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp Yên Bái kỳ vọng vào một mùa vàng bội thu, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024.
Hồng Duyên - Hùng Cường - Thanh Tân