- Xin ông cho biết về kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân 2024?
Ông Phạm Đình Vinh: Vụ xuân là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm và có tính quyết định đến thời vụ của các vụ lúa tiếp theo. Sản xuất vụ xuân mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai: giá rét, hạn hán đầu vụ và mưa lũ cuối vụ nhưng là vụ cho năng suất lúa cao nhất trong các vụ và chất lượng gạo tốt. Theo kế hoạch vụ xuân 2024, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 18.867 ha, phấn đấu năng suất 56,2 tạ/ha, sản lượng 106.190 tấn.
Một số huyện có diện tích gieo cấy lúa cao gồm: Lục Yên 3.400 ha, Văn Yên 2.970 ha, Văn Chấn 2.700 ha. Diện tích lúa được tưới bằng công trình thủy lợi 17.462 ha; cơ cấu giống lúa lai chiếm 55% diện tích gieo cấy, lúa thuần 45% diện tích. Gieo cấy tập trung hai trà sớm và chính vụ tùy điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian sinh trưởng của giống và sản xuất tăng vụ (trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa) của từng địa phương để bố trí thời vụ, tỷ lệ phù hợp đảm bảo an toàn, né tránh ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, nhất là thời điểm giai đoạn lúa trỗ và kế hoạch sản xuất của địa phương.
Tổ chức tốt các điều kiện về cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống rét cho mạ và lúa mới cấy, phòng trừ sâu bệnh và tích cực chống hạn đầu vụ, đảm bảo tưới tiêu nước cả vụ. Đồng thời tuyên truyền, vận động tăng diện tích gieo cấy trên đất ruộng 1 vụ, bảo đảm gieo cấy hết diện tích có điều kiện sản xuất nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ xuân. Ngoài diện tích gieo cấy lúa, còn tập trung gieo trồng các loại cây trồng như: ngô, diện tích 19.570 ha, sắn diện tích 7.800 ha...
- Dự báo thời tiết vụ xuân 2024 sẽ nghiêng ấm. Vậy, để đối phó với vụ xuân ấm, ngành có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Phạm Đình Vinh: Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, thời tiết năm 2024 dự kiến sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino. Nền nhiệt mùa đông năm 2023 - 2024 có thể sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Tuy nhiên, đây là nhiệt độ trung bình trong vụ nên cần chủ động công tác phòng, chống đối với các đợt rét cục bộ với nhiệt độ thấp kéo dài, đặc biệt đối với vùng cao. Do đó, các địa phương cần chỉ đạo 100% diện tích mạ được che phủ và chăm sóc theo quy trình làm mạ che phủ nilon.
Lựa chọn bộ giống, thời gian gieo mạ, thời điểm cấy thuận lợi, mạ đủ tuổi và đảm bảo tưới tiêu thuận lợi cho xử lý các biện pháp, phòng chống rét cho mạ và lúa mới cấy để bảo đảm lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét "Nàng Bân” khi lúa trỗ, tránh lụt "tiểu mãn” ở vùng đất thấp khi thu hoạch; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc gieo cấy sớm lúa vụ mùa và triển khai sản xuất vụ đông năm 2024. Một khía cạnh bất lợi khác của vụ xuân ấm là sâu bệnh sẽ phát sinh nhiều hơn. Trên cây lúa, từ giai đoạn mạ đến các giai đoạn sinh trưởng của cây thường có các đối tượng dịch hại như: bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lùn sọc đen, bạc lá, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng...
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến nghị nông dân tăng cường áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM)... vào sản xuất lúa vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng khỏe vừa tăng sức chống chịu với sinh vật gây hại. Bên cạnh đó, để sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết năm 2024, Chi cục sẽ chỉ đạo các địa phương hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, tập trung gieo cấy trà xuân chính vụ và mở rộng tối đa trà xuân muộn; tăng diện tích lúa chất lượng cao, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận.
- Cùng với các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng, ngành có giải pháp gì để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, thưa ông?
Ông Phạm Đình Vinh: Song song với các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm năng suất, sản lượng như: lựa chọn các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt; chọn thời điểm gieo cấy để cây lúa trỗ vào thời kỳ thích hợp nhất; sử dụng phân bón, bón phân cân đối, hiệu quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; điều tra phát hiện dịch hại, phòng trừ kịp thời, hiệu quả... thì để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao kỹ năng cho người sản xuất lựa chọn yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ, lao động...).
Trong đó, chú trọng việc áp dụng các quy trình giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản xuất; quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào, nhất là chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm giá cả hợp lý, tránh người sản xuất mua vật tư đầu vào kém chất lượng, gây thiệt hại kinh tế; tăng cường đầu tư và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công; áp dụng các biện pháp thu hoạch, bảo quản và công nghệ sau thu hoạch, giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống, cây trồng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh thay thế diện tích gieo trồng kém hiệu quả; các địa phương cần tích cực chỉ đạo việc triển khai các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng "một giống”, liên kết sản xuất hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao. Đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức mẫu mã, tem, nhãn mác có truy xuất nguồn gốc tạo niềm tin với người tiêu dùng...; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp trên góp phần gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Văn Thông (thực hiện)