Năm 2002, khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân trồng rừng theo Dự án 661, gia đình bà Lò Thị Bỉnh ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An là hộ đăng ký tham gia đầu tiên với mong muốn có sinh kế vững bền từ rừng. Ba năm đầu, gia đình bà được hỗ trợ cây giống, tiền công trồng và chăm sóc với mức 3 triệu đồng/ha/năm, những năm sau được hưởng 500.000 đồng/năm. Song, 5 năm trở lại đây, gia đình bà Bỉnh không nhận được bất kỳ một đồng nào. Đáng chú ý, cũng từ 5 năm trước, một doanh nghiệp đến khai thác đã khiến cho nhiều diện tích cây thông bị cạo vỏ lấy nhựa trở nên khô cứng hoặc rỗng thân, đổ gãy.
Hơn 20 năm qua, gia đình bà Bỉnh vẫn là hộ nghèo, dẫu trong tay có tới 5 ha rừng thông làm sinh kế. Bà Bỉnh cho biết: "Ngày trước, gia đình tôi và một số hộ dân đều rất ủng hộ chủ trương này và hăng hái tham gia Dự án. Trong 3 năm đầu, chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ tiền chăm sóc, tiền bảo vệ… Song, qua nhiều năm, số tiền công chi trả cho chúng tôi ngày càng ít dần đi. Hiện tại, rừng thông đã được hơn 20 năm tuổi, chúng tôi rất hy vọng và mong muốn các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giúp chúng tôi được phép khai thác diện tích này để chuyển đổi trồng sang loại cây khác để cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn”.
Tương tự, gia đình ông Hà Văn Phương ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An có 5 ha cây thông được trồng theo Dự án 661. Cũng vì trồng trên đất rừng đặc dụng mà đến nay, sau hơn 20 năm gia đình ông cũng không được phép khai thác. Nhiều đêm nghe những tiếng "rầm rầm” cây chết đổ gục, ông Phương không khỏi xót xa vì mất công, mất của và mất luôn cả cơ hội làm giàu. Ông tâm sự: "Giá như hơn 20 năm trước, gia đình tôi không tham gia trồng thông theo Dự án 661 mà trồng những cây khác như: keo, bồ đề thì chỉ 5 năm sau, mỗi héc ta rừng sẽ đem về cho gia đình nguồn thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng, sẽ không rơi vào cảnh nghèo”.
Tại thôn Nậm Đông 2, bà Hà Thị Chiển - Trưởng thôn bỏ công việc đưa chúng tôi đi chứng kiến những cánh rừng thông đang đổ gục chết dần. Bà Chiển buồn bã: "Gần 1/3 số hộ gia đình thôn Nậm Đông 2 từng hăng hái tham gia Dự án 661 nay đều gặp rất nhiều khó khăn. Bao nhiêu mong ước cùng công sức của người dân giờ đã trở thành gánh nặng. Nhiều gia đình đã bỏ làng, bỏ xóm đi làm thuê kiếm sống nhưng vẫn đau đáu xót thương cho những cánh rừng 661”.
Nghĩa An là địa phương đi đầu trong công tác trồng rừng của thị xã Nghĩa Lộ với tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 560 ha. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã trồng mới được 27 ha rừng, bằng 113% kế hoạch giao, chủ yếu là các loại giống như: bạch đàn mô, cây keo, bồ đề, quế..., nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Song, những hộ dân trồng rừng theo Đề án 661 trên địa bàn thì vẫn tiếp tục nghèo vì không thể chuyển đổi sang cây trồng khác khi chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Ở xã Phúc Sơn, những hộ dân tham gia Dự án trồng rừng 661 cũng chẳng khá hơn. Ông Lò Văn Sôm ở thôn Bản Hán, xã Phúc Sơn là hộ đầu tiên tham gia trồng rừng cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải lên rừng để phát quang bụi rậm và cành khô khi cây thông mỗi ngày một khô, rất dễ bén lửa gây cháy rừng. Đã lâu rồi, tôi không có thu nhập gì từ những cánh rừng chính tay mình trồng chăm sóc và bảo vệ”.
Phúc Sơn có 23 hộ dân tham gia Dự án trồng rừng 661 với trên 60 ha. Hơn 20 năm gắn bó với rừng thông 661, hầu hết các hộ dân ở đây vẫn chưa thoát được nghèo.
"Chính quyền xã cũng rất muốn giải quyết giúp những người dân tham gia Dự án trồng rừng 661 được khai thác để trồng mới những cây trồng có hiệu quả nhưng không thể làm được, bởi không có chính sách, văn bản hay chỉ đạo nào của các đơn vị chức năng có thẩm quyền có thể áp dụng được” - ông Hoàng Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết.
Chủ trương đưa cây thông vào trồng trên đất rừng đặc dụng trước đây mục đích là vừa giúp người dân thoát nghèo vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái. Song, đến nay, rừng trồng 661 đã bộc lộ không ít bất cập: cây thông vòng đời sinh trưởng không dài, nhất là khi đã khai thác hết nhựa cây sẽ tự chết, lãng phí nguồn tài nguyên và gây thiệt thòi cho người dân.
Chính vì vậy, việc người dân đề nghị được khai thác là phù hợp với thực tế, theo họ việc khai thác được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy hoạch thì sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của rừng đặc dụng hiện có. Tuy nhiên, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng quy định: "Đối với khu bảo vệ cảnh quan (rừng đặc dụng) chỉ được tác động, điều chỉnh, chặt cây tạo mật độ hợp lý để nuôi dưỡng rừng và tác động các biện pháp kỹ thuật khác để nâng cao giá trị thẩm mỹ của khu rừng”. Nghĩa là, rừng đặc dụng người dân không được phép khai thác.
Thị xã Nghĩa Lộ có 145 hộ tham gia trồng rừng theo Dự án 661 với diện tích hơn 223 ha. Để đảm bảo quyền lợi cho người trồng rừng của Dự án, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều văn bản đề nghị các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế đặc thù cấp phép cho người dân được khai thác những diện tích rừng đặc dụng trồng thông để chuyển đổi sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế, cải thiện cuộc sống và người dân yên tâm "bám đất, bám rừng”. Những tâm tư, đề nghị đó tới nay chưa có hồi âm nên những hộ trồng rừng 661 ở thị xã Nghĩa Lộ vẫn đang đợi chờ trong khi những rừng thông mà họ dồn bao tâm huyết đang dần héo khô theo năm tháng!
Ngọc Sơn