Sau 5 năm triển khai, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ. Các địa phương đã khai thác triệt để tài nguyên bản địa cùng với kỹ thuật, công nghệ chế biến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội đã tạo ra sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, chất lượng góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản. Đến hết năm 2023, tỉnh đã tổ chức đánh giá, chứng nhận được 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 209 sản phẩm đạt 3 sao.
Chương trình OCOP của tỉnh đã lan tỏa và huy động được 127 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ kinh doanh tham gia. Tham gia sân chơi OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, để lan tỏa những sản vật mang giá trị, tâm huyết của người nông dân rộng rãi tới người tiêu dùng, các sở, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.
"Từ làng ra phố”, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nhiều sản phẩm như chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, miến đao Giới phiên, hay lạc ri vỏ đỏ Lục Yên… đã được nhiều doanh nghiệp, người dân đặt mua làm quà biếu hoặc sử dụng vào các dịp lễ, tết. Không chỉ chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, OCOP Yên Bái đã "xuất ngoại” mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Với hợp tác xã sản xuất chè chất lượng cao Bảo Hưng, Chương trình OCOP đã trở thành "chìa khoá” để đơn vị thay đổi tư duy, đường hướng sản xuất, kinh doanh. Nếu trước đây, hợp tác xã sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu, thị trường tiêu thụ còn mang tính "làng xã” thì từ khi được công nhận sản phẩm OCOP chè xanh chất lượng của hợp tác xã đã thực sự được nâng tầm.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho biết: "Hiện Hợp tác xã có 3 loại sản phẩm từ chè với tổng diện tích khoảng 63 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn/năm. Tham gia và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội để có mặt và xuất hiện ở nhiều thị trường lớn hơn, tự tin hơn trong tiếp cận các thị trường khác. Đặc biệt, vừa qua Hợp tác xã xuất đi lô hàng mẫu đầu tiên khoảng 72 kg sang Anh, các sản phẩm chè tươi, chè khô phải đảm bảo đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của đối tác. Đây là cơ hội tốt, động lực thúc đẩy chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường”.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2023, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần RYB thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức,...).
Bước đầu đã lựa chọn được 8 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Anh gồm: Trà quế Phương Nhung, số lượng 72 kg; Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, số lượng 72 kg; Diệp trà Shan tuyết, số lượng 72 kg; Hồng trà Shan tuyết, số lượng 72 kg; Miến đao Giới Phiên, số lượng 250 kg; Miến đao xã Quy Mông, số lượng 250 kg; Quế điếu thuốc Hòa Cuông (loại 100 gam), số lượng 150 kg; Quế điếu thuốc Hòa Cuông loại (500 gam), số lượng 250 kg. Điều này cho thấy các sản phẩm nông sản của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Không những đáp ứng yêu cầu tại thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, trong đó có cả những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Để Chương trình OCOP khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương.
Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế đưa sản phẩm OCOP ngày càng bay xa nâng tầm giá trị.
Văn Thông