EVN đảm bảo không để mất điện trong dịp Tết Giáp Thìn

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/2/2024 | 10:24:35 AM

Trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên các phương án, sẵn sàng vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định... không cắt điện trên lưới.

Trực vận hành đảm bảo điện dịp Tết 2024.
Trực vận hành đảm bảo điện dịp Tết 2024.

Theo đó, để chủ động trong công tác vận hành hệ thống điện và cung cấp điện dịp Tết Giáp Thìn, ngay từ cuối năm 2023, EVN và các đơn vị có liên quan đã xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, phòng chống cháy nổ; tổ chức phân công, ứng trực 24/24 giờ cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý các tình huống khi có sự cố điện.

EVN cũng đã yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng... 

Trong các ngày Tết Giáp Thìn từ ngày 8 (29 Tết) - 14/2/2024 (mùng 5 Tết), không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải cắt điện để xử lý sự cố. Bên cạnh đó, EVN cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng thực hiện các biện pháp việc đảm bảo phòng chống các dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng địa phương.

Trong công tác vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tính toán, lập phương án vận hành nguồn, lưới và chỉ huy vận hành theo tình hình thực tế. Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Theo số liệu dự báo, trong kỳ nghỉ Tết công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm chỉ còn 14.700MW - 17.500MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường.

Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trên thực tế đối với hệ thống điện hiện nay, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, A0 bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống (như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện...) ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế.

Chính vì vậy, khi công suất phụ tải tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/giảm phát đến giới hạn kỹ thuật, mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió) để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Với mục đích tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện Quốc gia, từ cuối tháng 9/2021, A0 đã công bố hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại nguồn phát vào các khung giờ điển hình: Khung giờ buổi trưa (bức xạ mặt trời lớn nhất nhưng công suất tiêu thụ điện thấp) và Khung giờ chiều - tối (công suất tiêu thụ điện cao nhưng bức xạ mặt trời rất thấp).

EVN đề nghị chủ đầu tư các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp điều độ trong việc thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện Quốc gia, nhất là vào dịp nghỉ Tết khi mức độ tiêu thụ điện giảm mạnh so với ngày bình thường.

(Theo kinhtedothi)

Các tin khác
Lễ xuất hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái sang thị trường Anh quốc.

"Từ làng ra phố”, nhiều sản phẩm như chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, miến đao Giới phiên, hay lạc ri vỏ đỏ Lục Yên… được nhiều doanh nghiệp, người dân đặt mua làm quà biếu hoặc sử dụng vào các dịp lễ, tết. Không chỉ chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, OCOP Yên Bái đã "xuất ngoại” mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thu hoạch rau cung cấp ra thị trường dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... tấp nập ra đồng chăm sóc, thu hoạch các loại nông sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cánh đồng trồng rau, quả theo hướng VietGAP đang mang lại hiệu quả bởi chất lượng sản phẩm an toàn, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn.

Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. (ảnh minh họa)

Cơ hội thu hút đầu tư FDI từ châu Âu trong năm 2024 được nhận định đang mở ra rất lớn cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, chip…

Nhiều cây cối lâu năm, có giá trị kinh tế lớn nhưng người dân tình nguyện chặt hạ để giải phóng mặt bằng.

Sáng 3/2, đúng vào dịp kỷ niệm niệm 94 năm Ngày lập Đảng Cộng sản Việt Nam( 3/2/1930 – 3/2/2024), xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình đã tổ chức ra quân giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện giai đoạn 2 Dự án tuyến đường Vĩnh Kiên – Yên Thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục