Năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực do hệ lụy của đại dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại, lãi suất vay ngân hàng tăng cao...
Nhiều sản phẩm có tỷ trọng tăng trưởng ổn định như: khoáng sản, hàng may mặc, hạt nhựa, chè, quế… đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Những tác động này đã ảnh hưởng đến "sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, dự án thủy điện, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các đề án, kế hoạch và những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngân hàng; tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và ngoài nước; thường xuyên gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Cùng với sự sát cánh của chính quyền, các doanh nghiệp doanh nhân tỉnh Yên Bái đã phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận, mở rộng thị trường.
Có thể nói, bằng những lối đi riêng vững tay lèo lái, nhiều doanh nghiệp đã "ngược chiều” cơn lốc suy giảm, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam; Công ty cổ phần Lâm - Nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An; Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn; Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái; Công ty TNHH Daeseung Global.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Daeseung Global huyện Yên Bình.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm, toàn tỉnh có 340 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 3.688 tỷ đồng. Đến nay, Yên Bái là nơi hội tụ của 3.180 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nộp thuế vào ngân sách nhà nước ước đạt 1.330 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,67% tổng thu cân đối trên địa bàn; giải quyết việc làm cho trên 48.100 lao động với mức thu nhập đạt khoảng 7,3 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh đóng góp vai trò trọng yếu vào phát triển kinh tế tỉnh nhà, đưa kinh tế của tỉnh duy trì được đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 19,4%; lượng khách du lịch tăng 31,4%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 56,4% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2024, dự báo, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, có mặt nặng nề hơn, gay gắt hơn, tác động tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính toàn diện; chủ động triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các thành phần doanh nghiệp.
Tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những thách thức hiện hữu dù lớn, dù tác động mạnh, cùng với sự sát cánh của chính quyền chắc chắn không làm nhụt ý chí vươn lên, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Khi niềm tin đủ lớn, nỗ lực đủ nhiều và với sự đồng hành, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, tin rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái tiếp tục vượt khó khăn chinh phục những đỉnh cao mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2023 nhiều khó khăn và thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất bao bì nói riêng. Doanh nghiệp mới, khả năng cạnh tranh chưa cao, số lượng đơn hàng không nhiều, hoạt động cầm chừng. Vượt qua khó khăn, tập thể cán bộ công nhân viên cùng cố gắng duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh, chú trọng chăm lo đảm bảo việc làm, tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động.
Bước sang năm 2024, Công ty quyết tâm vượt khó, thích ứng linh hoạt, ổn định sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mốc và toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 với chủ đề: "An toàn - Đoàn kết - Phát triển - Hiệu quả". Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tập trung phát huy các thế mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế, từ đó đề ra các chiến lược và kế hoạch phù hợp với tình hình thị trường. Ngoài ra, thực hiện các cải tiến quyết liệt hơn nữa trong việc đảm bảo sự ổn định của chất lượng, đầu tư vào công nghệ và con người.
Công ty TNHH Ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam là công ty mới thành lập cuối năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của khủng hoảng nền kinh tế thế giới nên đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2023, là một năm khó khăn của ngành gỗ khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh, dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, thị trường bị thu hẹp, sự cạnh tranh gay gắt về giá, kinh doanh thua lỗ.
Mặc dù vậy, tập thể Công ty luôn đoàn kết đồng lòng với những quyết sách đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước đầy đủ, hoạt động trên cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Bước sang năm mới, Công ty dự định mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chăm lo đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Yên Bái đã tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Công ty TNHH Giày Ruian Việt Nam được thành lập tháng 7/2023 với vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Hiện tại Công ty đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, lĩnh vực đất đai xây dựng, còn mất rất nhiều thời gian.
Bước sang năm 2024, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền tỉnh để thực hiện các bước tiếp theo hoàn thành đầu tư để đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả trong kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, nộp ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Hiện nay, chúng tôi hoạt động và phủ sóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như: chữ ký số; hoá đơn điện tử; phần mềm kế toán và dịch vụ kế toán thuế; phần mềm; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nhà thông minh,…, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Với mục tiêu mang công nghệ số tới từng hợp tác xã, từng doanh nghiệp và nhân dân, bước sang năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi tiếp tục tối ưu chi phí, tăng doanh số bán hàng, tăng trưởng bền vững, góp phần giúp doanh nghiệp, hợp tác xã bắt kịp với xu thế chuyển đổi số cũng như định hướng chuyển đổi số của tỉnh.
Năm 2023, Quỹ đã giải quyết cho 781 lượt thành viên vay vốn, với doanh số cho vay là 348.270 triệu đồng, doanh số thu nợ là 347.841 triệu đồng, dư nợ đạt 161.854 triệu đồng. Trong năm đơn vị đã có lãi 1.919 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước là 403 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính 2023 tăng so với năm 2022 là 214 triệu đồng, tỷ lệ tăng 12,53%.
Nhận định năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Quỹ tập trung theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng và thành viên.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các món nợ xấu, tích cực thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu <1%.
Văn Thông