Đô thị xanh được hiểu là việc quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Theo đó, đô thị xanh được phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, kiến trúc không gian đô thị mở và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo tồn văn hóa bản địa, các di sản... Thực hiện theo tiêu chí này, thành phố đã thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; duy trì nghiêm ngặt cảnh quan tự nhiên sẵn có, hạn chế san lấp để đảm bảo cải thiện môi trường, tạo cảnh quan; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong khu vực nội thành hiện hữu để dành đất cho cây xanh, công viên, vườn hoa.
Cùng đó, thành phố đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hồ Hòa Bình, hồ Nam Cường, hồ Đình Gặt và các hồ nước trên địa bàn; từng bước tạo lập "không gian xanh”, "công trình xanh” và văn hóa "sống xanh” trong mỗi người dân đô thị.
Thực hiện "Đề án quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Yên Bái đến năm 2025”, thành phố đã giao UBND các xã, phường mỗi năm trồng 10.000 cây xanh; chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị hướng dẫn và phối hợp với UBND các xã, phường rà soát thực tế, xây dựng kế hoạch trồng mới cây xanh phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa trồng cây xanh tại hành lang đường giao thông nông thôn, khuôn viên trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa… Theo đó, từ năm 2021 - 2023, toàn thành phố đã trồng mới gần 40 nghìn cây xanh các loại, gồm: lát hoa, lộc vừng, long não, bằng lăng tím, sấu; các loại hoa ngũ sắc, hoa giấy, mẫu đơn, hoa dơn đỏ…
Đối với việc quy hoạch, phát triển cây xanh trên các tuyến đường chính, thành phố đã chỉ đạo trồng 400 cây xanh các loại như: cây bàng Đài Loan, vàng anh, bằng lăng tại các tuyến đường: Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Lê Hồng Phong, Nguyễn Phúc... Thành phố cũng đang triển khai Dự án trồng và thay thế cây xanh trên địa bàn với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng.
Dự ước, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người năm 2023 ở thành phố đạt 8,3 m2/người; tỷ lệ cây xanh và hồ nước đang đạt mức tỷ lệ vàng là gần 50%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40%... Với những kết quả đạt được, thành phố Yên Bái hiện đang tiệm cận trở thành đô thị xanh mang tính sinh thái riêng biệt của vùng Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thị Hồng Giang - người dân phường Đồng Tâm bày tỏ: "Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ở nhiều đô thị, tôi thấy thật may mắn và hạnh phúc vì được sống ở một thành phố "xanh - sạch - đẹp”, không ồn ào, náo nhiệt, nhiều khói bụi. Tôi hy vọng, mỗi người dân thành phố đều nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên để chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên”.
Cùng với đầu tư cây xanh, nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, những năm gần đây, thành phố Yên Bái cũng đã ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, dành quỹ đất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
Đến nay, thành phố đã xây dựng được 20 nhà văn hóa kiểu mẫu, 24 tiểu công viên kết hợp sân chơi thể thao ở các thôn, tổ dân phố; lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống camera an ninh với gần 900 camera an ninh, bảo đảm phủ kín địa bàn thành phố; xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 6 tuyến đường với hơn 630 bóng điện chiếu sáng thông minh; đưa vào hoạt động 2 tuyến phố đi bộ Hào Gia và Lý Đạo Thành, tạo không gian sinh hoạt văn hóa hấp dẫn cho người dân.
Thành phố hiện đang duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 130 đội, 51 câu lạc văn nghệ, 8 hội thể thao, 232 câu lạc bộ thể thao quần chúng tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố; thành lập mới 34 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao mũi nhọn làm nòng cốt thúc đẩy, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng. Chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố hiện đạt 72,6%, cao hơn 10,03 điểm phần trăm so với bình quân chung của cả tỉnh, bằng 162% mục tiêu.
Là thành phố nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu, cảng biển và có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ đô thị… năm 2022, thành phố Yên Bái đã đóng góp hơn 30% vào tốc độ tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh, giúp Yên Bái vươn lên đứng thứ 6/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất của thành phố Yên Bái đạt 10,36%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 88,41%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần còn 0,67%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%...
Ghi nhận những nỗ lực của thành phố trên mọi phương diện, lĩnh vực, năm 2023, thành phố Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đô thị loại 2 và được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố Yên Bái, mở ra thời cơ và vận hội mới để tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái hướng tới là đô thị loại 1, trở thành một trong các đô thị động lực quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong tương lai gần.
Hồng Oanh