Thông điệp được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí dịp đầu năm.
- Những điểm sáng nào của ngành nông nghiệp trong năm qua, thưa Bộ trưởng?
- Như Thủ tướng từng nói, năm qua ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược. Sáu tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn song chúng ta đã chủ động, linh hoạt, thích ứng những biến động, biến cố từ bên ngoài.
2023 là năm tư duy kinh tế nông nghiệp lan tỏa. Chúng ta đã thích ứng những khó khăn của đầu ra, bằng cách chuẩn hóa nông sản, phù hợp nhiều thị trường. Các địa phương rất năng động tổ chức nhiều sự kiện quảng bá nông sản địa phương, chú trọng hơn thị trường trong nước bên cạnh thị trường xuất khẩu. Chính thị trường nội địa sẽ cân bằng tình hình khi xuất khẩu khó khăn.
Việt Nam cũng đã ký được nghị định thư xuất khẩu nông sản, từ đó tổ chức lại ngành hàng, đặc biệt là trái sầu riêng. Nông dân và doanh nghiệp bắt đầu gắn kết nhau nhiều hơn. Tôi dùng từ bắt đầu tức là còn nhiều việc phải cải thiện trong chuỗi liên kết này.
Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu thặng dư xuất khẩu nông nghiệp là 12 tỷ USD chiếm gần 50% cán cân thặng dư xuất khẩu của Việt Nam. Xưa giờ chúng ta ít chú trọng về con số thặng dư nhưng số liệu này thể hiện rõ sự tăng trưởng. Thặng dư chính là bài toán giữa giá bán ra và vật tư đầu vào. Không như thặng dư xuất khẩu khu vực FDI, thặng dư nông nghiệp đem nhiều lợi nhuận cho đất nước, nông dân.
Không phải tất cả lĩnh vực trong ngành đều "màu hồng", nhưng rõ ràng bà con trồng lúa gạo, sầu riêng, cây ăn quả năm nay có cái Tết phấn khởi hơn.
- Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng nông dân sản xuất bấp bênh, thiếu dự báo nên một số mặt hàng cung lớn hơn cầu, giá cả lên xuống thất thường. Giải pháp nào để thoát khỏi tình trạng này?
- Nhiều nông dân sản xuất quá nhỏ lẻ. Mỗi người mua riêng một gói hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên dễ bị ảnh hưởng khi giá cả bấp bênh. Trong khi nếu liên kết nhau sẽ tạo được vùng nguyên liệu lớn, cùng mua bán chung. Đây là nguyên lý mà bất kỳ thời đại, quốc gia nào cũng tìm đến. Diện tích sản xuất nhỏ nhưng người dân đừng manh mún trong cách làm. Muốn ra biển lớn nông dân đừng đi xuồng nhỏ mà hãy kết nhiều xuồng cùng vượt sóng gió.
Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh, người nông dân đừng tự hào mãi vào kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm của bà con chỉ phù hợp khi thời đại chậm thay đổi, nhưng hiện nay thị trường phát triển từng giờ. Người trồng hoa không chỉ ở Sa Đéc, xoài không chỉ ở miền Tây hay chỉ có ở nước mình. Diễn biến thị trường biến động hàng ngày khiến việc chỉ đạo, điều hành cũng phải uyển chuyển để theo kịp, nhưng có lúc không tác dụng ngay được. "Nước xa khó cứu lửa gần" nên trước hết bà con nông dân cần liên kết, giúp nhau vượt qua khó khăn.
Về vĩ mô, chúng ta phải tổ chức lại ngành hàng từ người sản xuất đến doanh nghiệp. Sự đứt gãy, bấp bênh trong một vài ngành hàng như vừa qua phải chăng là người sản xuất và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn tới tranh bán, tranh mua. Chính quyền địa phương cần gần gũi, giúp đỡ nông dân nhiều hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có chương trình đào tạo cho lãnh đạo địa phương nhất là cán bộ cấp xã gần dân nhất.
Ngày xưa, địa phương hỗ trợ người dân về sản xuất nhưng nay cần chú trọng về thị trường. Mỗi khi ký nghị định thư, mở ra thị trường mới, chính quyền địa phương cần dự báo được các vấn đề sẽ xảy ra ở vùng nguyên liệu của mình. Sau đó, mời bà con lại bàn bạc, cùng nhau thực hiện những quy chuẩn mà đối tác yêu cầu.
Muốn ngành nông nghiệp tăng trưởng phải thay đổi người nông dân. Chúng ta không thể trách nông dân vì họ quá quen tập quán sản xuất bao đời nay, cứ trồng rồi chờ thương lái đến mua, hoặc thương lái đặt hàng mới trồng. Do đó những người gần gũi nông dân nhất từ bí thư, chủ tịch xã đến các hội đoàn thể cần giúp đỡ họ, cùng trăn trở, đối thoại tạo hiệu ứng lan tỏa.
- Khi sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thương lái được xem là một mắt xích quan trọng trong ngành nông nghiệp, nhưng chưa được tổ chức tốt. Làm sao chuyên nghiệp hóa đội ngũ này tạo thêm lợi ích cho nông dân?
- Tôi thắc mắc là khi giá nông sản xuống thấp, dư luận cho rằng thương lái ép giá. Điều này là không hợp lý vì nếu họ có quyền đó thì sao không để giá rẻ hoài. Vậy có phải chúng ta đã quá cảm xúc, vội đổ thừa cho thương lái hay không.
Trước hết phải khẳng định thương lái cũng là nông dân. Họ là những người có khiếu kinh doanh, có vốn liếng, bắt đầu từ mua bán nhỏ mà đi lên. Với một nền nông nghiệp manh mún, tự phát người trồng không thể mang vài trăm ký nông sản lên Sài Gòn tiêu thụ. Ông doanh nghiệp cũng không thể ghé từng hộ trồng để thu mua mà phải thông qua thương lái, nhà vựa để phân loại. Hệ thống thương lái là chia sẻ vốn, kho bãi, rủi ro với doanh nghiệp.
Nền nông nghiệp không thể manh mún nhỏ lẻ mãi. Thương lái bán cho nhà vựa, nhà vựa bán cho doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp cần xem, đưa thương lái vào "hệ sinh thái" của mình. Tại sao chúng ta không tổ chức, xây dựng ở mỗi xã một tổ nhóm thương lái, mỗi huyện một câu lạc bộ hoặc hội quán của thương lái. Nếu cứ mãi ác cảm, bỏ mặc, thương lái sẽ hoạt động bên ngoài, không theo định hướng và hệ quả đâu đó còn tình trạng nhũng nhiễu thị trường.
- Việc hợp tác, liên kết giữa nông dân, thương lái và doanh nghiệp đang được ngành nông nghiệp thực hiện như thế nào?
- Bộ đang tổ chức lại các vùng nguyên liệu. Trong vùng nguyên liệu đó sẽ tổ chức lại ngành hàng, phát triển các hợp tác xã đủ năng lực, nâng cao tri thức và năng lực của nông dân để có thể liên kết với doanh nghiệp. Việc này để ngăn chặn tình trạng hợp đồng trôi nổi, hạn chế rủi ro cho ngành.
Vừa qua, bộ phối hợp các bên triển khai đề án một triệu ha lúa chất lượng cao với mục đích định vị hình ảnh lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, tiến dần tới hình ảnh ngành hàng lúa gạo cả nước và các ngành hàng nông sản khác.
Đề án chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, dần tiếp cận nền nông nghiệp tăng trưởng xanh. Bởi ngày nay người tiêu dùng không mua một sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó và quan tâm đến quá trình sản xuất có làm tổn thương môi trường, xã hội không.
Ngoài nâng giá trị, chất lượng hạt gạo, đề án còn hướng tới nhiều mục tiêu khác như giúp người trồng lúa tận dụng phụ phẩm nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm để kích hoạt kinh tế nông thôn; du lịch nông nghiệp... Nếu mình làm tốt những việc này sẽ giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2-3 lần so với chỉ trồng lúa.
(Theo VnExpress)