Trên cánh đồng thôn Ao Luông, xã Sơn A, ông Hà Kế Quyết đang tháo nước vào đám ruộng vừa gieo cấy xong. Ông cho biết: "Vụ xuân năm nay, tôi gieo cấy trên 3.000 m2 ruộng, chủ yếu là giống Séng cù và Nghi hương 305. Lúa cấy xong mấy hôm gặp rét đậm, rét hại kéo dài hơn 1 tuần nên tôi phải chủ động lấy nước vào ruộng để giữ cho lúa không bị chết rét; đồng thời, bón lót thêm phân đạm để lúa sinh trưởng và phát triển tốt”.
Xã Sơn A là địa phương có có diện tích lúa xuân tương đối lớn, với trên 193 ha; trong đó, gần 117 ha lúa hàng hóa; cơ cấu 70% diện tích lúa thuần chất lượng cao, 30% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa lai, phấn đấu năng suất đạt 57,7 tạ/ha. Xác định vụ xuân có nhiều khó khăn như ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, tình hình sâu bệnh đầu vụ, ngay sau khi nông dân gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các trưởng thôn vận động nông dân tích cực thăm đồng, chủ động điều tiết nước hợp lý, bón phân hữu cơ theo liều lượng vừa đủ để lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Sầm Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xác định vụ xuân là vụ khó khăn do những tác động của thời tiết rét đậm, rét hại, sâu bệnh. Bởi vậy, ngay sau khi nông dân gieo cấy xong, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn vận động bà con chủ động thăm đồng, chăm sóc lúa, không để diện tích lúa bị thiếu nước, chết rét, sâu bệnh gây hại”.
Vụ xuân 2024, thị xã Nghĩa Lộ gieo cấy 1.995 ha lúa nước, năng suất phấn đấu đạt 58 tạ/ha, sản lượng trên 11.570 tấn; trong đó, vùng sản xuất lúa hàng hóa phấn đấu đạt trên 1.200 ha trở lên, với các giống lúa thuần chất lượng cao gồm: Séng cù, Hương chiêm, HT1, J02, Nếp, TBJ3; diện tích còn lại là giống lúa lai chất lượng cao gồm: Nghi hương 305, LY2099; cơ cấu giống 60,5 % diện tích là lúa thuần chất lượng cao, còn lại là diện tich lúa lai.
Năm 2024, sản xuất vụ xuân được đánh giá là khó khăn bởi diện tích lúa gieo cấy xong gặp rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá không có diện tích nào bị chết rét. Để đảm bảo toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, UBND thị xã chỉ đạo khối nông nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động bà con tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý giữa ấm cho lúa.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ và phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã tăng cường hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại đến nông dân thông qua tổ chức các lớp tập huấn, in phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; phối hợp vơi các đơn vị cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuẩn bị đầy đủ số lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân; cử cán bộ bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc lúa; điều tra, phát hiện tình hình sâu, bệnh hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời; phối hợp tốt với các địa phương vận động nông dân vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ sản xuất”.
Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân của thị xã Nghĩa Lộ đã gieo cấy xong. Mặc dù chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài đầu vụ, song nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có diện tích nào bị chết rét, hạn hán, thiếu nước. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh, lây lan trên diện rộng.
Vì vậy, các địa phương cần tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ, duy trì mực nước trên mặt ruộng, tranh thủ thời tiết nắng ấm bón thúc kịp thời cho lúa, bón ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh bằng phân NPK chuyên thúc với chủ phương pháp bón nặng đầu nhẹ cuối; với những diện tích lúa chậm sinh trưởng, sử dụng các dạng phân bón qua lá có hàm lượng lân cao; cử cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Thanh Tân