Có thể thấy, 3 năm qua, với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp, kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh.
Ngay từ đầu mỗi năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng mới rừng phòng hộ, đất trồng mới sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, cây xanh nông thôn…; từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp hàng năm cụ thể, chi tiết sát với kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của địa phương để huy động mọi nguồn lực tham gia thực hiện.
Mù Cang Chải là địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, song lại là địa phương đang thực hiện rất tốt Đề án này. Riêng năm 2023, huyện đã thực hiện trồng gần 850.000 cây xanh, vượt 27,2% kế hoạch; trồng rừng tập trung đạt 340,1 ha, vượt 69,2% kế hoạch. Trong việc huy động nguồn lực để triển khai thực hiện, huyện đã làm tốt việc đa dạng hóa nguồn vốn, nhất là nguồn xã hội hóa để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh.
Trong 340,1 ha rừng tập trung trồng trong năm 2023, huyện đã huy động các nguồn xã hội hóa trồng được 6,4 ha tre (tài trợ từ dự án "Thanh âm xanh”); 50 ha cây dổi, dẻ theo Dự án "STAVIAN - trồng rừng, vững sống”; 22 ha do UBND các xã vận động nhân dân trồng và 200 ha trồng cây xanh theo Đề án "trồng một tỷ cây xanh”. Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống, huyện còn tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình và cộng đồng tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải ra quân trồng cây đầu năm.
Anh Lý A Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: "Trong năm 2022 - 2023, xã đã được hỗ trợ từ dự án "Thanh âm xanh” trồng được gần 35 ha tre Mạy Khao Lam và Bát độ. Xã đã bàn giao cho các nhóm hộ có danh sách cụ thể để tổ chức quản lý, chăm sóc dưới sự đôn đốc, hướng dẫn của xã và ngành chuyên môn. Giờ đây, cây đang sinh trưởng khá tốt, nhất là giống tre măng Bát độ hứa hẹn khoảng 2 năm nữa là người dân sẽ có thu nhập từ măng tre. Đây cũng sẽ trở thành địa điểm du lịch đẹp, thu hút du khách trong tương lai”.
Cùng với Mù Cang Chải, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có những cách làm tương tự để hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu trong từng năm. Các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân thay đổi suy nghĩ và hành động về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là ở vùng cao.
Nhiều địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành và của mọi người dân. Tỉnh cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư, xây dựng các chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, các dự án trồng rừng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra về số lượng cây trồng với kết quả đạt là 2.925 ha rừng tập trung, tương đương với gần 5 triệu cây và 15,9 triệu cây xanh phân tán; nguồn lực huy động để thực hiện lên tới 118 tỷ đồng; trong đó, vốn xã hội hóa là 73,6 tỷ đồng.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng được trên 32 triệu cây, tỉnh Yên Bái đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp tháo gỡ; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các đơn vị chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức triển khai với kế hoạch thực hiện trong năm 2024 là trồng 6,61 triệu cây và năm 2025 là 6,75 triệu cây.
Hoài Anh