Để nâng cao hiệu quả sản xuất, rõ ràng cần phải mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho những cây, con lợi thế. Định hướng này đang được tỉnh nỗ lực triển khai, bước đầu gặt hái được những thành công.
Chuỗi liên kết tre măng Bát độ ở huyện Trấn Yên là một minh chứng rõ nét. Từ khi hình thành được chuỗi liên kết, người dân không những có cây giống đảm bảo chất lượng, được hướng dẫn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mà còn được ký hợp đồng bao tiêu bền vững. Các công ty, doanh nghiệp còn đặt rất nhiều điểm thu mua, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân các xã, các thôn bán sản phẩm. Sản phẩm thu mua đến đâu trả tiền đến đó nên người dân rất phấn khởi.
Ông Triệu Phú Thịnh ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Kể từ khi Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành thành lập, măng sơ chế đến đâu được tiêu thụ đến đó, vừa được hỗ trợ cây giống vừa có người cam kết thu mua, không lo bị thương lái ép giá, được nhận tiền ngay sau khi bán thì tội gì không trồng. Hiện nay, tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng sắn, keo của gia đình sang trồng tre măng Bát độ với tổng diện tích hơn 3 ha, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng”.
Không chỉ có ông Thịnh mà hàng nghìn hộ dân ở Trấn Yên cũng đã yên tâm chuyển đổi, tham gia chuỗi liên kết tre măng Bát độ, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung toàn huyện lên tới 4.200 ha, sản lượng măng thương phẩm gần 30.000 tấn, giá trị đạt gần 200 tỷ đồng. Cũng nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 54,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,78%, còn 1,74%.
Không chỉ có chuỗi liên kết tre măng Bát độ mà còn có rất nhiều chuỗi liên kết đã được hình thành dưới sự hỗ trợ của tỉnh. Riêng năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng 26 dự án sản xuất theo chuỗi giá trị; 2,6 tỷ đồng hỗ trợ mua mới 1.048 con trâu bò để liên kết sản xuất quy mô 20 con trở lên theo tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ 21,2 tỷ đồng để phát triển 963 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đặc sản, hữu cơ…
Liên kết và sản xuất hàng hóa giúp nông dân yên tâm, mạnh dạn mở rộng quy mô, hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, từ đó đem lại thu nhập đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh được nâng lên 50,8% triệu đồng/năm, tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,76%. Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất theo liên kết chuỗi còn thay đổi tư duy, nhận thức cho đồng bào về một quy trình sản xuất hoàn chỉnh bền vững.
Anh Giàng A Vàng ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải là một trong những hộ tham gia nuôi ong mật theo chuỗi giá trị chia sẻ: "Từ khi tham gia sản xuất cho Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải, chúng tôi được tham gia các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, khai thác, thu gom, phòng trị bệnh trên đàn ong được tổ chức, thay thế hoàn toàn cho cách nuôi truyền thống. Chúng tôi còn được kiểm tra sức khỏe, tổ chức thi xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, mua sắm dụng cụ, đồ bảo hộ lao động… Đặc biệt, là mối liên kết giữa nhà quản lý, người sản xuất, nhà tiêu thụ sản phẩm được xây dựng bằng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên 100 đàn ong của gia đình được tiêu thụ toàn bộ, giúp thu nhập của gia đình đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tôi hy vọng, thông qua việc thu mua, quảng bá thương hiệu của hợp tác xã và các cấp chính quyền, thương hiệu mật ong Mù Cang Chải sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn nữa”.
Có thể khẳng định, sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà còn tạo ra sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho nông dân.
Hoài Anh