Hộ ông Nguyễn Văn Phái ở thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ là 1 trong 4 hộ được lựa chọn tham gia mô hình từ đầu tháng 5/2021. Nói về việc tham gia mô hình, ông Phái cho biết: "Nắm bắt thông tin về mô hình và được tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Thật sự thì bản thân tôi cũng mong muốn có cây trồng mới, có thử nghiệm, có thêm thu nhập từ đồng đất này”. Ông Phái đã trồng hơn 300 cây na trên diện tích 8 sào đất trồng ngô của gia đình. Cây na giống ông được cấp miễn phí, phía gia đình đối ứng về công lao động, phân bón.
Ông chia sẻ, trước nay, trên địa bàn, người dân địa phương chỉ trồng mỗi nhà dăm ba cây na để lấy quả ăn chứ chưa có sản phẩm bán ra thị trường. Quá trình trồng cây na Đài Loan, cán bộ khuyến nông phụ trách xã đã trực tiếp hướng dẫn gia đình về kỹ thuật trồng, chăm sóc như làm cỏ, đốn tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại... và bảo vệ cây theo đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Như ông Phái cho hay, cây na Đài Loan không khó trồng, chăm sóc không quá phức tạp nên vườn na của gia đình có tỷ lệ cây sống đạt 100%.
Đến nay, cây na ông trồng đã cao khoảng 2 m, tán rộng chừng 2 m, gốc cây đã to bằng cổ tay người lớn. Ra bói năm ngoái, cây na rất sai quả nhưng ông chỉ để lại ở mỗi cây từ 1 - 2 quả. Điều ông cảm thấy hài lòng nhất là cây na Đài Loan cho quả to, gấp khoảng 3 lần so với giống na trồng ở địa phương này. Đặc biệt, chất lượng quả rất ngon với vị ngọt thơm, ít hạt, càng ngon hơn khi quả chín cây chứ nếu già quả hái xuống đem dấm thì lại bị cứng hoặc hỏng. Với chất lượng quả như năm bói thì ông tin hoàn toàn có thể bán được na ra thị trường.
Qua thời gian 2 năm triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã thường xuyên tiến hành theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu đánh giá mức độ, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây na Đài Loan theo từng giai đoạn. Theo báo cáo của Trung tâm, giai đoạn trồng có thời tiết tương đối thuận lợi, mưa liên tục đã tạo điều kiện cho cây nảy mầm đều và sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt từ 90% - 95%.
Giai đoạn sau trồng 30 ngày, thời tiết cơ bản là nắng nóng kéo dài, diễn biến phức tạp nên cây sinh trưởng, phát triển kém nhưng thời gian tiếp theo lại mưa nhiều đã giúp cây hồi phục rất nhanh, phát triển tương đối tốt. Cây na đã được đốn 2 lần, lần 1 vào giữa tháng 8/2021 kết hợp bón phân đầu trâu và phân đạm, đốn lần 2 vào đầu tháng 3/2023 kết hợp bón phân đầu trâu.
Thực tế theo dõi cho thấy, cơ bản cây na không bị đối tượng sâu bệnh gây hại ở mức độ nặng, chỉ ảnh hưởng nhiễm nhẹ sâu ăn lá và rầy; do đó, cây không bị thiệt hại, ảnh hưởng nhiều do sâu bệnh. Ngoài bất lợi về thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây na thì khó khăn là người dân chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc bởi đây là cây trồng mới được tiến hành trồng thử nghiệm.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây na là các hộ dân tận dụng đất để trồng xen cây ngô, nhất là thời điểm cây na được 2 năm, giai đoạn ra hoa đậu quả của cây.
Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên đánh giá: "Qua theo dõi cây na Đài Loan sau 2 năm trồng cho thấy, bước đầu cây thích nghi tốt với điều kiện đất đai và khí hậu tại địa phương, sinh trưởng và phát triển tương đối tốt”.
Hiện, Trung tâm chưa có đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây na Đài Loan ở xã Châu quế Hạ vì cây chưa đến giai đoạn cho thu hoạch quả ổn định. Tuy nhiên, với những kết quả bước đầu là cơ sở để hy vọng cây na Đài Loan sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt, mang đến loại cây trồng mới có thu nhập cao cho người dân địa phương, góp phần đa dạng cơ cấu cây trồng.
Nguyễn Thơm