Theo ông Kiều Tư Giang - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì quế là loại cây trồng thuộc họ cây thân gỗ, lá rộng, phù hợp với vùng thổ nhưỡng có độ cao từ 400 m - 800 m so với mực nước biển như với vùng thổ nhưỡng khí hậu Yên Bái. Tỉnh quy hoạch vùng trồng quế đến năm 2025 tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình nhưng chủ đạo là các vùng trồng quế tập trung, chuyên canh thực tế đã cho thấy, quế sinh trưởng, phát triển nhanh, có chất lượng tinh dầu cao.
Song, ở một số xã thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, bà con cũng đã tự mua giống và trồng khá nhiều trong một vài năm trở lại đây. Như vậy, với tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt sương muối mùa đông, gió lào mùa khô hanh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chưa nói đến chất lượng. Khi xuất ra thị trường, các sản phẩm này cũng sẽ dùng chung nhãn hiệu tập thể của quế Yên Bái nên vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của vùng quế chất lượng.
Cùng với quy hoạch vùng trồng, có một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế Yên Bái là công tác quản lý chất lượng cây giống, tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức như chặt tỉa cành không khoa học đã tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và khó kiểm soát chất lượng của cây quế.
Đối với nguồn giống, mặc dù những năm qua, tỉnh đã quy hoạch nhiều rừng giống ở các vùng quế được đánh giá chất lượng nhưng còn bất cập về công tác quản lý trong các chuỗi sản xuất cây giống, chưa được kiểm soát chặt dẫn đến giống chất lượng và giống trôi nổi trên thị trường sản xuất lẫn lộn gây khó khăn trong lựa chọn giống trồng rừng của người dân.
Cụ thể, theo báo cáo của ngành lâm nghiệp tỉnh năm 2023, các vườn ươm cây quế giống chủ yếu tập trung ở huyện Văn Yên và Trấn Yên với 899 cơ sở, sản xuất khoảng 30.540 vạn cây giống/năm nhưng đa số các cơ sở ở dạng tự phát, manh mún không có đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước; tỷ lệ giống được công nhận, có xác minh nguồn gốc giống rõ ràng đạt dưới 10% trong tổng số cây giống quế được sản xuất ra.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp thu mua quế thì phương pháp chăm sóc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm quế. Chỉ có 14.000/81.000 ha quế đã được công nhận quế hữu cơ thì đã có sự ký kết ràng buộc lẫn nhau giữa doanh nghiệp tiêu thụ với người trồng nên đảm bảo chăm sóc theo tiêu chuẩn. Diện tích còn lại, do người dân tự quản lý, chăm sóc, khó kiểm soát hoạt động chăm sóc đảm bảo theo yêu cầu của thị trường thu mua.
Để sản phẩm vào được các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, nhất là tồn dư hóa chất/hàm lượng kim loại nặng như: chì, thủy ngân và 3 hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật gồm hoạt chất Glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ), hoạt chất Chlorpyrifos và Cypermethrin (có trong thuốc trừ sâu). Đây là các hoạt chất đã bị cấm sử dụng, buôn bán tại Việt Nam nên không được xuất hiện trong sản phẩm quế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Hiệp - Trợ lý trưởng Chi nhánh Yên Bái của Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà cho hay: "Sản phẩm của Công ty hiện chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, EU. Để sản phẩm quế của Công ty đứng vững trên các thị trường khó tính này, doanh nghiệp cũng phải tuyển chọn nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào; đồng thời, phối hợp người dân xây dựng vùng trồng đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. Hằng năm, Công ty cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc quế an toàn hữu cơ và có sự ký kết ràng buộc giữa người trồng với Công ty để người trồng yên tâm canh tác, tuân thủ các yêu cầu, quy định về lựa chọn cây giống, phương pháp chăm sóc an toàn. Công ty cũng yên tâm về nguyên liệu đã nhập đảm bảo "sạch” để sản xuất, chế biến an toàn”.
Từ thực tế tình trạng người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp ngắn ngày còn khá phổ biến nên để bảo đảm sản phẩm an toàn tuyệt đối là một thách thức lớn vì vấn đề không chỉ xảy ra do phun trực tiếp trong quá trình chăm sóc quế, mà có thể do lây nhiễm chéo trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch, bảo quản. Điển hình dễ lây nhiễm chéo nhất là các diện tích quế giáp khu vực đất canh tác lúa, ngô, sắn do trong quá trình sản xuất hằng năm, người dân thường dùng thuốc bảo vệ thực vật cho cây ngắn ngày sẽ bị gió thổi thuốc bay sang lây nhiễm vào cây quế hoặc trong quá trình phơi, vận chuyển không được bảo quản tốt sẽ bị lây nhiễm nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở gần đó...
Bên cạnh đó, các thị trường khó tính còn yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, chế biến phải có tài liệu chính thức nguồn gen về các giống quế sản xuất thành phẩm và đây là một thách thức lớn bởi hiện nay nguồn giống quế người dân đang trồng chưa kiểm soát được nguồn gốc, vẫn đang trồng đổ xô, lẫn lộn nhiều loại. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng quế do giống, phương pháp chăm sóc thì trong quá trình đi thu mua, sơ chế ban đầu nhiều tiểu thương cũng gian lận khi thu gom quế ở các tỉnh thành khác về sơ chế pha trộn với quế trong tỉnh để xuất bán cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, thương hiệu của quế Yên Bái...
Trước những thách thức đó, để phát triển cây quế bền vững, bản thân mỗi người trong chuỗi phát triển cây quế cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm để cùng chung tay bảo vệ giá trị, quyền lợi, thương hiệu của quế Yên Bái. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa "4 nhà” để có sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau; từ đó, cùng có trách nhiệm duy trì phát triển cây quế Yên Bái bền vững và vươn xa trong tương lai.
A Mua
Bài cuối: Định hướng và giải pháp phát triển quế bền vững