Vàng trong nước hạ nhiệt
Sáng 18/3, giá vàng SJC trong nước được các doanh nghiệp niêm yết giao dịch trên mức 81 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng nhẫn tròn giảm gần 300.000 đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm lúc 9 giờ 35 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,5 - 81,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,4 - 81,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Trong khi giá vàng SJC biến động tại các doanh nghiệp thì giá vàng nhẫn cùng chiều giảm. Cụ thể, giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 67,92- 69,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 210.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 260.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,9 - 69,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 90.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Đến trưa ngày 18/3, giá vàng 9999 của SJC giảm thêm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, về mức 81 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cụ thể, giá vàng 9999 được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cập nhật vào lúc 10h24' là 79 triệu đồng/ lượng mua vào và bán ra 81,02 triệu đồng/ lượng bán ra (tại Hà Nội và Đà Nẵng) và 79 triệu đồng/ lượng mua vào và 81 triệu đồng/ lượng bán ra (tại TP. Hồ Chí Minh).
Giá vàng 9999 được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết vào 10h30' tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 78,9 triệu đồng/ lượng mua vào và 80,9 triệu đồng/ lượng bán ra.
Một tuần khó khăn với thị trường vàng
Giá vàng thế giới có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,3 USD so với mức chốt tuần trước lên 2.158 USD/ounce.
Tuần trước, thị trường vàng chịu áp lực sau khi đón nhận báo cáo lạm phát "nóng" hơn dự kiến. Kim loại màu vàng kết thúc tuần giảm 0,8% trong tuần, ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 4 tuần tăng giá.
Mặc dù vàng giảm, nhưng một số chuyên gia đánh giá, kim loại quý này vẫn đang giữ vững vị thế ngay cả khi lạm phát là một mối đe dọa dai dẳng với cả chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất của Mỹ trong tháng 2 đều "nóng" hơn dự kiến.
Vào tuần trước đó, vàng liên tiếp lập đỉnh mới nhờ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát mới nhất đã dấy lên nghi ngờ thời điểm cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể đẩy xa hơn. Điều này đã giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng mạnh, và tạo áp lực lên vàng. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn giữ được mức hỗ trợ ban đầu trên 2.150 USD/ounce, vốn là mức kháng cự trong đợt tăng giá mạnh nhất vào tháng 12-2023.
Chuyên gia Neils Christensen của Kitco cho rằng, tuần này sẽ là tuần tương đối khó khăn với thị trường vàng khi Fed tiến hành thảo luận về đường hướng chính sách trong thời gian tới và đưa ra các dự báo kinh tế cập nhật. Theo Christensen, bất kỳ lời lẽ "diều hâu" nào liên quan đến việc đẩy lùi thời điểm cắt giảm lãi suất có thể tạo ra một số áp lực bán ra đối với vàng.
Hiện thị trường đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra vào giữa tuần này. Các chuyên gia đều dự báo Fed sẽ tiếp tục để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay và nhấn mạnh lại quan điểm sẽ quyết định nới lỏng chính sách nếu chắc chắn lạm phát đang giảm về mức mục tiêu 2%.
Trong khi kỳ vọng lãi suất đang gây áp lực lên vàng, các chuyên gia cho rằng, lo ngại bất ổn địa chính trị, sự suy yếu của kinh tế toàn cầu và nhu cầu của các ngân hàng trung ương đang cung cấp hỗ trợ vững chắc cho kim loại quý này. Các nhà phân tích lưu ý rằng nhu cầu vàng miếng ở châu Á không hề chậm lại ngay cả khi giá đã đẩy lên mức cao kỷ lục.
Trong bối cảnh hiện tại, hầu hết các chuyên gia khuyên rằng không nên đuổi theo thị trường mà chỉ nên mua khi giá giảm.
(Theo VTV)