Bởi vậy, thương hiệu, giá trị kinh tế của cây quế không còn phải bàn cãi. Song, trước thực trạng đang có nhiều yếu tố, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng
cây quế hiện nay, các cấp, các ngành cần sớm có giải pháp định hướng phát triển cây quế an toàn, bền vững, giữ vững chất lượng, thương hiệu, uy tín, ổn định giá cả thị trường để phát triển
cây quế Yên Bái "Cầm vàng đừng để vàng rơi”.
Là "thủ phủ” quế của tỉnh,
Văn Yên hiện có diện tích quế trên 50.000 ha, chiếm khoảng trên 61% diện tích quế toàn tỉnh và phân bố ở khắp 25 xã, thị trấn; trong đó, diện tích quế tập trung trên 30.000 ha, đã được xác lập Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã gồm:
Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp,
Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng. Diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ là 9.109 ha; trong đó, Công ty Hương gia vị Sơn Hà 2.162 ha, Công ty Olam Việt Nam 3.846,8 ha, Công ty Vicimex 2.100 ha, xã Đại Sơn 1.000 ha... Cây quế đã mang đến cuộc sống khấm khá cho hàng nghìn hộ dân.
Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi về Viễn Sơn - xã vùng sâu với trên 80% dân số là đồng bào Dao. Thật bất ngờ, con đường đi đến đã được bê tông hóa đến từng ngõ xóm, có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, mạng Internet và các hộ dân đều xây dựng nhà ở khang trang, điều mà hơn 14 năm trước có nằm mơ cũng chẳng thấy. Càng bất ngờ hơn, khi chúng tôi đến thôn Khe Dứa và được gặp ông Trần Văn Tráng. Nhìn ông trong chiếc áo màu xanh lục đã sờn cổ, chẳng ai nghĩ ông lại là một tỷ phú đang sở hữu hơn 21 ha quế hữu cơ.
Ông Tráng chia sẻ: "Gia đình tôi đã gắn bó với cây quế từ đời cha ông. Trước đây, động lực trồng quế là để nhớ ơn Bác Hồ, phát huy truyền thống trồng cây giữ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, lấy nước cho ruộng; trồng quế làm của hồi môn cho con cháu. Viễn Sơn đã từng có Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ và Hợp tác xã Cộng Lực đã từng được phong danh hiệu anh hùng nhờ phong trào trồng vầ phát triển cây quế. Khi đó, cây quế chưa có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, từ những năm 2005 trở lại đây, giá quế tăng dần, gia đình tôi mới mở rộng diện tích. Đến nay, tôi có 21 ha quế, trong đó có trên 40% diện tích đã đủ tuổi khai thác và đều là quế trồng theo phương pháp truyền thống an toàn”.
Tiếp tục về câu chuyện cây quế của ông Tráng, ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã
Viễn Sơn cho biết thêm: Theo lịch sử địa phương, Viễn Sơn là nơi đầu tiên cây quế "đặt chân" trên đất Yên Bái nói chung và Văn Yên nói riêng. Sau đó, người dân mới từ Viễn Sơn mang quế đi trồng ở khắp nơi trong tỉnh. Cây quế có thể đã có mặt ở Viễn Sơn từ hơn 270 năm trước. Người được cho là có công đưa cây quế về Viễn Sơn là ông Bàn Phú Sáu. Ngày nay, để tưởng nhớ đến công lao của ông, người dân đã lập đền Tháp Cái ở thôn Tháp Cái để thờ ông”.
Viễn Sơn hiện có 2.600 ha quế, trong đó có 2.000 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hằng năm cho khai thác trên 580 tấn quế vỏ, chưa kể tận thu cành lá và thân gỗ. Quế không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu. Hiện, xã có 894 hộ thì trên 60% số hộ có kinh tế khá trở lên, giúp Viễn Sơn vươn lên hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới năm 2021.
Không riêng huyện Văn Yên, nhiều xã như: Đào Thịnh, Tân Đồng, Báo Đáp, Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Nậm Mười, Nậm Lành, An Lương... huyện Văn Chấn cũng có hàng nghìn hộ khấm khá lên và không ít hộ trở thành những triệu phú,
tỷ phú từ loài cây được ví như "vàng xanh”. Có người nói rằng, chỉ những hộ có nền móng kinh tế từ cha ông để lại mới giàu được, chứ lớp trẻ trồng quế thì khó mà giàu, nhưng thực tế chứng minh rằng, nếu biết vận dụng hài hòa thì cây quế dù không thể làm giàu cũng là cây dễ kiếm ra tiền to.
Anh Giàng A Sang, thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi, thời bố mẹ kinh tế khó khăn, không được đi ăn học nhiều nên năm 2007 sau khi lấy vợ, tôi ở riêng, bố mẹ chia cho hơn 2 ha đất đồi. Vợ chồng tôi tích cực tìm quế giống về trồng, khi người dân có nhu cầu bán đất đồi tôi lại gom tiền mua lại để trồng quế. Hiện, gia đình có khoảng 3 ha quế từ 5 đến 16 năm tuổi. Năm vừa qua, tôi bán hơn 1 ha thu về hơn 500 triệu đồng và có điều kiện để làm nhà mới, mua sắm tiện nghi cải thiện cuộc sống gia đình, chưa kể hằng năm vẫn được chặt tỉa để nuôi con ăn học”.
Hiện, Yên Bái có trên 81.000 ha quế, tập trung ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên. Trong đó, diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 38.100 ha, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ đạt trên 14.000 ha đều tập trung tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn. Sản lượng quế vỏ khô hằng năm đạt từ 18.000 đến 20.000 tấn, trên 80.000 tấn cành, lá và hơn 200.000 m3 gỗ quế cho thu nhập trên 1.000 tỷ, chiếm gần 50% giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tỉnh.
Là 1 trong 10 loại cây trồng chủ lực của tỉnh, những năm qua, cùng với đẩy mạnh trồng, chăm sóc của người dân,. Yên Bái đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến quế, các sản phẩm từ quế, nên quế đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo chung của tỉnh. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã có 8.221 hộ thoát nghèo, giảm còn 20.222 hộ nghèo.
A Mua
Bài 2: Để cây quế phát triển bền vững, vẫn còn nhiều thách thức