Theo đó, tỉnh định hướng quy hoạch vùng trồng quế đến năm 2025 và giai đoạn tới tập trung chủ yếu tại 5 huyện có tiềm năng gồm: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình với diện tích duy trì ở mức 80.000 ha. Trong đó, tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh đạt 35.000 ha với 20.000 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: để cải tạo, nâng cao chất lượng cây quế, năm 2023 ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản gửi đến các huyện, thị khuyến nghị người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và thận trọng trong phát triển cây quế. Đặc biệt, cân nhắc kỹ trong việc gia tăng diện tích mới; chọn cây giống, phương pháp chăm sóc, nhất là người dân ở các huyện ngoài vùng quy hoạch hoặc các vùng đất, năng suất, chất lượng tinh dầu quế thấp.
Đối với người dân trong 5 huyện quy hoạch, tập trung cải tạo diện tích hiện đã có theo hướng sản xuất quế an toàn, hữu cơ, sản xuất theo bộ tiêu chuẩn thương mại đa dạng sinh học có đạo đức (UEBT/RA); phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững và đáp ứng theo yêu cầu thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Trước mắt, để cải tạo chất lượng các diện tích mới trồng, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cây quế; thực hiện nghiêm theo quy định về phát triển an toàn, sản xuất hữu cơ bền vững. Về diện tích trồng lại sau khai thác những năm tới, nhân dân chủ động kiểm soát chất lượng cây giống ngay từ đầu vào.
Để có nguồn giống chất lượng, năm 2023 ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai chương trình rà soát, đánh giá lại các diện tích rừng giống đã cấp chứng nhận tiêu chuẩn trước đây để tiếp tục làm thủ tục gia hạn chứng nhận rừng giống nếu còn bảo đảm chất lượng và tìm kiếm diện tích rừng giống mới cho bảo đảm năng lực cung cấp giống hằng năm.
Theo rà soát năm 2023, huyện Văn Yên còn gần 40 ha rừng giống đã được chuyển hóa với khả năng cung cấp 50 - 68 tấn hạt, chưa kể giống từ các cây trội đã được công nhận. Cùng với hạt giống chuẩn, ngành chức năng sẽ triển khai đăng ký cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất quế giống đủ năng lực đưa vào quản lý; cam kết chỉ được lấy hạt giống từ các rừng giống đã chỉ định để quản lý chặt chẽ chất lượng giống quế theo chuỗi bảo đảm truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống trước khi đưa đi trồng rừng.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và khi có nhu cầu trồng nên tìm mua giống tại các cơ sở ươm giống đã được cấp phép để bảo đảm cây giống đạt tiêu chuẩn. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai chương trình rà soát các cây quế trội tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn để lấy mẫu đi phân tích gen, chọn ra những cây đạt tiêu chuẩn về mọi mặt để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân quản lý, bảo vệ làm cây giống.
Hiện, đã chọn được trên 50 cây đạt tiêu chuẩn và đang tiếp tục rà soát thêm; đồng thời, triển khai mô hình xây dựng quỹ đất để trồng cây giống trội được chọn từ vườn ươm nguồn hạt lấy từ cây trội để bảo tồn nguồn gen trội phát triển trong tương lai. Tỉnh cũng luôn chú trọng hoạt động chế biến, tiêu thụ; trong đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nâng cấp, mở rộng sản xuất, chế biến sâu, chế biến tinh nhằm tạo sức tiêu thụ lớn, đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Hằng năm, chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế để mời gọi các DN lớn, có kinh nghiệm, năng lực sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm quế đầu tư vào địa phương, giúp đưa sản phẩm quế Yên Bái vươn xa trên thế giới.
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: là địa phương trọng điểm quế của tỉnh, ngoài tuyên truyền người dân cải tạo, nâng cao chất lượng cây quế theo hướng phát triển an toàn, bền vững thì huyện cũng khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tập trung nâng cấp, cải tiến máy móc, thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà chi nhánh Yên Bái giải phóng mặt bằng để Công ty sớm khởi công xây dựng nhà máy mới, bảo đảm kịp đưa vào hoạt động đầu năm 2025 theo kế hoạch nhằm nâng sức tiêu thụ quế cho người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và nhất là sẽ có nhiều mặt hàng được chế biến sâu tại chỗ để xuất khẩu trực tiếp.
Phát huy lợi thế 18 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn, hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ, thị trường xuất khẩu đã vươn đến 17 nước và vùng lãnh thổ từ các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ đến các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý từ năm 2010 và được Thái Lan quyết định bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan năm 2020... Điều đó, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nói riêng và quế Yên Bái nói chung đã vươn xa trên thị trường quốc tế.
Thời gian tới, cùng với những định hướng, giải pháp thiết thực về phát triển cây quế của tỉnh rất cần sự chung tay của các tổ chức phi chính phủ, Nhà nước, địa phương, DN, người dân nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa "4 nhà” để cây quế Yên Bái duy trì bền vững chất lượng, thương hiệu, tiếp tục có những bước tiến mới trên thị trường quốc tế, giúp người dân xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
A Mua