Vừa qua, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) phát động ra quân phát dọn HLLĐ tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Nhờ được cán bộ điện lực, chính quyền địa phương tuyên truyền nên người dân nơi đây đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ ATHLLĐ. Theo đó, bà con đã phối hợp tốt với ngành điện phát dọn cây lâm nghiệp có nguy cơ gãy đổ vào đường điện.
Ông Trần Quang Chất, ở thị trấn Nông trường Liên Sơn chia sẻ: "Tại chương trình, lãnh đạo PCYB đã hướng dẫn đến chúng tôi những kiến thức cơ bản nhằm bảo đảm ATHLLĐ, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; trong đó, thường xuyên kiểm tra, bảo trì đường dây, thiết bị điện trong nhà nhằm kịp thời sửa chữa ngay các mối nối bị hở; cách tiếp đất an toàn cho các thiết bị điện, không đốt, chặt cây gần HLLĐ… Với các nội dung gần gũi thực tế, hình ảnh sinh động, tôi cùng với bà con tham dự buổi tuyên truyền đã hiểu tầm quan trọng và sẽ thực hiện bảo đảm ATHLLĐ”.
Không chỉ tại huyện Văn Chấn mà tại các địa phương khác trong tỉnh, PCYB phối hợp với ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp từ cấp huyện, thị xã, thành phố đến cấp tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong bảo vệ ATHLLĐ.
Sự cố điện không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người, tài sản. Do đó, bảo vệ ATHLLĐ vừa góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, an toàn; đồng thời, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ của tỉnh thời gian qua đã giúp hạn chế thấp nhất những sự cố mất ATHLLĐ do người dân khai thác gỗ, xây dựng công trình, hay thả diều, câu cá… gây ra.
Theo đó, năm 2023, hệ thống lưới điện do PCYB quản lý xảy ra 224 sự cố do vi phạm hành lang bảo vệ ATHLLĐ; trong đó, có khoảng 50 sự cố trên lưới điện cao áp, gây ảnh hưởng và mất điện cho 219.000 khách hàng; xảy ra hơn 10 vụ người dân chặt cây đổ vào đường dây gây sự cố lưới điện. Hiện tại, toàn tỉnh còn hàng trăm điểm cây cối vi phạm ATHLLĐ, tiềm ẩn sự cố về điện.
Để bảo đảm ATHLLĐ, các đơn trị trực thuộc PCYB luôn bám sát địa bàn, nắm tình hình và chủ động có phương án phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để bảo đảm ATHLLĐ, hạn chế thấp nhất sự cố điện phát sinh.
Ngoài ra, việc quản lý vận hành lưới điện luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm, quản trị độ tin cậy được quản lý chặt chẽ, nên sự cố lưới điện giảm so với năm 2022; nguyên nhân sự cố và dạng sự cố thay đổi về chất, giảm sự cố kéo dài, thông số vận hành lưới điện được quan tâm bảo đảm chất lượng điện áp; hệ số công suất, phân bố lại nguồn cấp, bán kính cấp điện, mang tải các đường dây trung thế phù hợp, phương thức vận hành linh hoạt bảo đảm cấp điện an toàn, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh còn nhiều điểm tiềm ẩn sự cố về điện. Vì vậy, PCYB đã và đang tiếp tục tập trung các giải pháp đảm bảo ATHLLĐ.
Ông Vũ Duy Khương - Phó Giám đốc PCYB chia sẻ: nhằm giải quyết những tồn tại vi phạm HLATLĐ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản ngành điện, thời gian qua, PCYB đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý vận hành, nhanh chóng phát hiện và xử lý các hư hỏng, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố lưới điện; tổ chức các đợt ra quân phát quang hành lang tuyến. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ ATHLLĐ cho nhân dân; vận động cá nhân, tổ chức không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện, trạm điện; không tự do trèo lên trạm điện, đường dây điện để bắt chim, thả diều; không xây dựng cải tạo nhà ở, công trình trong khu vực hành lang ATHLLĐ cao áp, vi phạm khoảng cách ATHLLĐ.
Nghị định số 134 ban hành năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định rõ mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa lên tới 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức; thậm chí, bị xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng.
Song, để hạn chế, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm, vấn đề then chốt là sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện với chính quyền, người dân. Do đó, bảo đảm ATHLLĐ không chỉ là nhiệm vụ quan trọng riêng của ngành điện mà còn là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của các địa phương và mỗi người dân, góp phần vận hành lưới điện an toàn, liên tục, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Thu Hiền