Xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái là địa phương có truyền thống trồng đao và
chế biến miến đao. Năm 2012, xã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề nông thôn đầu tiên của thành phố Yên Bái với nghề sản xuất miến đao. Làng nghề này hiện có 68 hộ sản xuất, kinh doanh miến và mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 - 450 tấn sản phẩm, mang lại nguồn thu gần 30 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ có sản xuất miến đao mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/hộ/tháng; nhiều gia đình đã trở nên khá giả có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm.
Hiện nay, xã Phúc An, huyện Yên Bình có rất nhiều hộ đan rọ tôm. Riêng thôn Đồng Tâm có 72/86 hộ làm nghề này. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất rọ tôm và coi đây là nghề đem lại thu nhập chính. Với bình quân mỗi hộ đan được từ 30 - 50 chiếc rọ/ngày, năm 2023, sản lượng đan rọ đạt 1.400.000 chiếc, cho doanh thu trên 5,3 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu của thôn Đồng Tâm. Ngày 18 tháng 7 năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND công nhận
Làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An.
Thời gian gần đây, sản phẩm rọ tôm của làng nghề được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành lân cận; giá thành sản phẩm tăng, thu nhập ổn định, người dân tích cực sản xuất hơn; thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang…
Yên Bái hiện có 252 làng nghề, làng có nghề; trong đó, 15 làng nghề được công nhận, tập trung vào 4 lĩnh vực gồm: chế biến, bảo quản nông - lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, gốm sứ, dệt may, cơ khí. Các làng nghề tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Trấn Yên.
Các làng nghề, nghề truyền thống có
làng nghề đan rọ tôm, xã Phúc An (Yên Bình); dệt thổ cẩm, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ); trồng, chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng, sản xuất cốm xã Tú Lệ (Văn Chấn); nghề rèn, đúc tại xã Chế Cu Nha, nấu rượu thóc tại xã La Pán Tẩn, dệt thổ cẩm bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải); làng nghề làm tranh đá quý, thị trấn Yên Thế (Lục Yên)…
Trong 252 làng nghề, làng có nghề trên địa bàn có hơn 900 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, còn lại chủ yếu là sản xuất hộ gia đình, cá thể, tạo việc làm cho 71.000 lao động trực tiếp. Năm 2023, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề đã được công nhận đạt gần 109 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển ngành nghề TTCN nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: sản phẩm của các làng nghề làm ra còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ; thiếu tính ổn định; phần lớn là lao động chưa qua đào tạo tay nghề; số thợ tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất ít; đa phần các cơ sở làng nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa được bố trí quy hoạch riêng; quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình là chính; sản phẩm có mẫu mã đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu lớn, khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường…
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở TTCN muốn phát triển bền vững cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tái cơ cấu sản xuất, chú trọng đầu tư phát triển những sản phẩm truyền thống phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Cùng đó, sáng tạo các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu và phải đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm; bảo đảm phát triển đồng bộ. Các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ các làng nghề, tổ hợp tác, cơ sở doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế...
Có thể thấy, các làng nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống đã đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế ở các địa phương trong tỉnh, giúp người dân có thu nhập và ổn định. Các làng nghề đang thu hút được nhiều lao động, phát huy những giá trị truyền thống bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Thu Hiền