Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 83 triệu đồng/lượng mua vào và 85,2 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 1.000.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức ở mức 83 triệu đồng/lượng mua vào và 85,22 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1.000.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán. Giá vàng thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 83 triệu đồng/lượng mua vào và 85,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng giá mua và 900.000 đồng giá bán.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 83,25 triệu đồng/lượng và 85,15 triệu đồng/lượng, tăng 850.000 đồng ở cả 2 chiều. Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 83,2 triệu đồng/lượng và bán ra 85,2 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng ở cả 2 chiều.
Trước sự tăng-giảm khó lường của giá vàng trong nước gần đây, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng, hiện giá vàng có nhiều biến động khó đoán định nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi mua bán. Nếu có đầu tư thì chỉ nên dành một phần của khoản tiền nhàn rỗi, không nên đầu tư theo kiểu "tất tay, bỏ trứng vào một giỏ". Đặc biệt, không nên rút tiền đang gửi ngân hàng để mua vàng, không bán đất hay vay tiền ngân hàng, người thân, bạn bè để đầu tư vàng lúc này vì độ rủi ro rất cao.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng phân tích, rất lâu rồi giá vàng ở Việt Nam mới tăng mạnh, liên tục và kéo dài như thời gian gần đây. Do vậy các nhà đầu tư đang "ôm" vàng có thể tính toán việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận đã rất hấp dẫn. Nên thận trọng khi đầu tư vào vàng thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường. Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước hiện nay đang ở ngưỡng cao, đẩy rủi ro về phía người đầu tư.
Trước đó, chiều 26/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá vàng miếng ở 83 - 85,2 triệu đồng một lượng, tăng 300.000 đồng mỗi chiều mua - bán so với buổi sáng. Mức này đắt thêm gần 1 triệu đồng so với hôm qua. Như vậy, vàng miếng đã vượt đỉnh lịch sử so với mức thiết lập hồi giữa tháng 4 (85 triệu đồng một lượng).
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh lên 83,1 triệu ở chiều mua vào và bán ra là 85 triệu đồng, tương đương thêm 100.000 đồng so với buổi sáng.
Trước đó, cuối giờ trưa, loại vàng này được các nhà vàng niêm yết quanh 82,8 - 84,9 triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giữa chiều mua vào - bán ra được duy trì khoảng 2-2,2 triệu đồng, tùy đơn vị.
Như vậy, giá vàng trong nước tăng giá mạnh sau hai trong ba phiên gọi thầu của Ngân hàng Nhà nước bị hủy do ít doanh nghiệp tham gia. Tổng cộng mới có 3.400 lượng vàng được 2 doanh nghiệp kinh doanh mua trong phiên thầu hôm 23/4. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do nhà điều hành công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng giảm hoặc đi ngang.
Sau khi đi ngang từ đầu tuần, vàng nhẫn 24K tại SJC hôm nay cũng tăng 600.000 đồng ở chiều mua và bán, lên 73,7 - 75,4 triệu đồng một lượng.
Mặt hàng này tại Bảo Tín Minh Châu là 74,4 - 76 triệu; còn tại DOJI quanh 74,6 - 76,2 triệu đồng mỗi lượng.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý trong 24 giờ qua đi ngang với biến động khoảng 20 USD mỗi ounce. Lúc gần 11h theo giờ Hà Nội, vàng thế giới neo quanh 2.331 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 71,5 triệu đồng một lượng (chưa tính thuế, phí).
Hiện, mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn thế giới khoảng 13,3 triệu đồng (cao hơn 800.000 đồng so với hôm qua). Còn chênh lệch nhẫn trơn với thế giới khoảng 3,5 triệu đồng.
Đồng bạc xanh trên thị trường ngân hàng giảm nhẹ khi giá mua, bán tại Vietcombank còn 25.118 - 25.458 đồng, giảm 19 đồng mỗi USD. Trên thị trường tự do, giá mua vào đồng tiền này tăng 100 đồng lên 25.620 đồng, chiều bán ra đi ngang ở mức 25.700 đồng.
(Theo VnExpress)