Để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, Văn Chấn đã chỉ đạo hoàn thành 42/48 nhiệm vụ về chuyển đổi số theo kế hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm nông nghiệp, các hộ sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm, thời vụ thu hoạch để chia sẻ, giúp các doanh nghiệp nắm bắt lên kế hoạch hỗ trợ sản xuất và kinh doanh; duy trì hoạt động có hiệu quả tổ chuyển đổi số cộng đồng; tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có chuyên môn cao vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; xây dựng chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về an toàn, an ninh mạng phục vụ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị như phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn huyện đã xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dâu để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị dâu tằm, thúc đẩy chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ tơ tằm, lụa. Tổ chức liên kết các hộ chăn nuôi để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại tập trung. Phát triển gia cầm đặc sản, hữu cơ của địa phương đáp ứng yêu cầu của thị trường, phối hợp với thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải tạo nên chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa…
Huyện Văn Chấn có 315 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thu hút trên 6.500 lao động. Ngoài ra, địa phương còn có 3.148 hộ kinh doanh, 77 dự án đầu tư và gần 100 hợp tác xã.
|
Xác định khu vực DN nhỏ và vừa không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Văn Chấn đã nâng cao năng lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian qua, UBND huyện luôn chú trọng đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo định hướng xây dựng nhà nước quản lý và phục vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cơ bản có chuyển biến tốt, việc đưa vào vận hành Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, xã đã giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, cơ sở dữ liệu, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận khai thác và sử dụng”.
Mặt khác, công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước được đẩy mạnh; 100% cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể được cấp chứng thư số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được thiết lập tài khoản để sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành V-Office.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: "Nhờ có chuyển đổi số, hơn 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi từ 200 - 500 tuổi đã được gắn nhãn truy xuất nguồn gốc, giúp địa phương quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vươn tầm thế giới”.
Có thể nói, DN nhỏ và vừa của huyện Văn Chấn rất linh hoạt, ứng biến nhanh nhạy với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường, thích hợp với điều kiện sử dụng các trình độ kỹ thuật khác nhau. Khai thác và huy động được các nguồn lực, tiềm năng tại chỗ của các địa phương và các nguồn tài chính của dân cư trong vùng. Sản phẩm phục vụ trực tiếp đời sống, thị trường phong phú nên huy động được các nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, lao động chủ yếu dựa vào bản thân và gia đình; sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh không cao; thiết bị máy móc chưa được cải tiến hoặc không đồng bộ, khả năng nắm bắt thị trường chưa tốt, việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý còn hạn chế; trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp còn yếu so với quy mô doanh nghiệp, trình độ, tay nghề của người lao động còn thấp. Sự hiểu biết về cơ chế, chính sách của Nhà nước còn hạn chế, tiếp cận thông tin còn khiêm tốn…
Ông Đặng Duy Hiển cho biết thêm: "Thời gian tới, huyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng miễn phí các nền tảng giải pháp công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong công tác hỗ trợ cung cấp thông tin cho các DN nhỏ và vừa tìm hiểu về công nghệ cao, công nghệ thông minh; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình khởi sự kinh doanh”.
Quang Thiều