Là một trong 130 thanh niên được Dự án hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, anh Giàng A Bê, xã Hồng Ca chia sẻ: "Tôi rất muốn lưu giữ gen giống gà đen của người Mông. Thật may mắn khi "Sáng kiến gà đen Trại Trế” của chúng tôi được Dự án hỗ trợ ngay từ vòng đầu tiên và nhận tài trợ sớm”.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngay từ lần thử nghiệm đầu tiên, anh Giàng A Bê cùng các bạn trong nhóm sáng kiến đã ấp nở thành công 120 gà con, nhân giống và thu về gần 20 triệu đồng. Cũng với cách làm tương tự, anh Triệu Kim Hoan ở thôn Đồng Phay, xã Kiên Thành được Dự án hỗ trợ 70 triệu đồng phát triển mô hình chăn nuôi dê, trong đó, có 16 con dê cái và 2 con dê đực.
Cũng nhờ có hỗ trợ từ Dự án, chị Đinh Kiều Anh, thôn Thịnh An, xã Quy Mông đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi, sáng tạo, xây dựng thành công Hợp tác xã (HTX) Khởi nghiệp xanh sản xuất miến đao Tráng Thái. Thành lập tháng 10/2021 với quy mô sản xuất 20.000kg/năm, diện tích xưởng sản xuất 500m2, tính từ tháng 8/2022 đến tết Nguyên đán năm 2023 doanh thu của HTX đã đạt 500 triệu đồng từ việc kinh doanh mặt hàng này.
Đây là một kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của chị Kiều Anh cùng các thành viên HTX. "Bản thân tôi và mọi người trong HTX đã thay đổi rất nhiều, từ kiến thức, kỹ năng cho tới bản lĩnh, dám hành động để gây dựng nên thương hiệu miến đao quê hương. Nhờ có sự hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật triển khai và cả sự động viên tinh thần, đồng hành sát cánh của Dự án, chúng tôi dám đứng lên và tự tin theo đuổi ước mơ của mình” - chị Đinh Kiều Anh tâm sự.
Thực tế cho thấy, Dự án đã mang lại tác động tích cực, nhất là giúp thanh niên thay đổi tư duy về lập nghiệp, phát triển bản thân, tích cực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tham gia Dự án, các thanh niên còn có cơ hội trau dồi kiến thức từ những trải nghiệm thực tế và cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về kỹ năng cũng như thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn thận, an toàn.
Chị Trần Thị Vân Nga - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi vẫn luôn trăn trở làm thế nào để đồng hành cùng thanh niên, giúp đỡ được thanh niên nhiều nhất trên hành trình lập thân, lập nghiệp. Sự có mặt kịp thời và phù hợp của Dự án đã giúp chúng tôi giải bài toán khó về nguồn vốn và kỹ thuật hỗ trợ thanh niên. Chúng tôi rất mong muốn các tổ chức xã hội tiếp tục đồng hành trong việc khuyến khích thanh niên tận dụng nguồn lực sẵn có, vươn lên phát triển kinh tế, phát huy tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ chung tay làm giàu đẹp cho quê hương”.
Được biết, Dự án triển khai tại huyện Trấn Yên gồm 5 mô hình trồng trọt (cây khôi nhung, quế, nếp đen), 4 mô hình chăn nuôi (gà đen bản địa, gà đồi, dê cỏ, ốc nhồi), 4 mô hình dịch vụ (máy nông nghiệp, du lịch, cầu cân điện tử) và 5 mô hình sản xuất (miến đao, xưởng nhôm kính, trà túi lọc, gỗ băm dăm, sản xuất nội thất gỗ quế) đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm thanh niên địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, năm 2023, Huyện đoàn Trấn Yên cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay ủy thác với tổng dư nợ trên 90 tỷ đồng; thành lập 17 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã và 5 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ và làm nòng cốt; giới thiệu, tuyên truyền cho trên 1.000 thanh niên tiếp cận và đăng ký sử dụng ứng dụng phần mềm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm I-HR để định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm từ xa…
Đánh giá về Dự án "EU/Sự tham gia: Nâng cao năng lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào việc khởi nghiệp, ra quyết định kinh tế - xã hội tại Yên Bái”, bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ và ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng vào cuộc của các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội và lực lượng đoàn viên thanh niên, Dự án sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Mai Linh