Trên đường đến thăm mô hình chăn nuôi giỏi của gia đình Vì Thị Nêm ở thôn Bản Lọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn Lường Văn Ngọc cho biết: "Hiện nay, Hội Nông dân xã có 340 hội viên, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú sinh hoạt tại 4 chi hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thấp và còn nhiều khó khăn về lao động, việc làm, đất đai, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã chỉ đạo các chi hội thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế; đồng thời, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống cho hội viên...”.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông tổ chức được 6 lớp chuyển giao KHKT cho 180 lượt hội viên tham gia; phối hợp với các chương trình dạy nghề tổ chức 2 lớp học nghề ngắn hạn cho 30 hội viên; tư vấn cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ về KHKT, lựa chọn đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng đó, Hội Nông dân xã đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn và thành lập 2 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 83 hộ vay vốn để phát triển kinh tế. Qua triển khai, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã thu hút đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh 43 ha lúa nước/năm, sản lượng đạt trên 500 tấn; cây ngô gieo trồng đạt 13 ha/năm, sản lượng đạt 45,5 tấn, tổng lượng lương thực có hạt năm 2023 của xã đạt 545,9 tấn, tăng 1,4 tấn so với năm 2020.
Cùng với thâm canh cây lúa, ngô, nhân dân đã đầu tư xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như: mô hình trồng măng sặt với 12 hội viên tham gia tại thôn Nậm Tộc; mô hình trồng quế với 14 hội viên tham gia tại thôn Bản Lọng và thôn Nậm Tộc; mô hình trồng gỗ nguyên liệu với 10 hội viên tham gia tại thôn Noong Khoang. Qua thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, đã xuất hiện nhiều hộ hôi viên SXKDG như hộ chị Hồ Thị Hồng và Phạm Thị Lâm ở thôn Noong Khoang; Vì Văn Sơn thôn Nậm Tộc, Vì Thị Nêm, thôn Bản Lọng...
Chị Vì Thị Nêm, phấn khởi bày tỏ: "Cách đây hơn 5 năm, sau khi mình đi dự lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, mình về bàn với chồng con vay vốn ngân hàng cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu, bò để nâng cao thu nhập và thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện nay, mỗi năm gia đình mình xuất bán được trên 1 tấn lợn thịt, 85 con lợn giống và thu nhập được trên 83 triệu đồng tiền bán lợn; nuôi 8 con trâu, 10 con bò mỗi năm thu nhập được trên 90 triệu đồng tiền bán trâu, bò giống gia đình đã trả hết tiền vay ngân hàng, làm được ngôi nhà sàn khang trang...”.
Những giải pháp do Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn triển khai để thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá rõ nét. Từ năm 2020 - 2023, bình quân hằng năm xã giảm được 15% hộ nghèo. Năm 2024, Hội Nông dân xã cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo về vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng kinh tế và phấn đấu đến hết năm nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 28,75%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng.
Minh Hằng