Cây Ngưu bàng và cây Cúc vu (khoai tây Nhật) đang được chăm sóc trên diện tích 11 ha tại thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Đây là 2 loại cây trồng mới Công ty TNHH Quỳnh Anh đưa vào trồng từ tháng 3/2023. Dự kiến sau 6 tháng, cây Ngưu bàng sẽ cho sản lượng 25 tấn/ha và khoai tây Nhật sẽ cho sản lượng 40 tấn/ha.
Ngưu bàng được biết đến là một trong những nguyên liệu quan trọng trong chế biến món ăn của phương pháp thực dưỡng, vị thuốc được dùng rộng rãi ở một số nước như Nhật Bản, Triều Tiên, có công dụng chữa bệnh lợi tiểu, hạ nhiệt, hạ đường huyết, kháng sinh và chống u bướu... Còn Cúc vu là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng rất tốt để giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Cây Cúc vu trên địa bàn thị trấn Nông trường Liên Sơn được nông dân tích cực chăm sóc đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Vũ Kim Long - nông dân tổ 6, thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn phấn khởi: "Đây là loại cây trồng mới trên đất của thị trấn nông trường Liên Sơn. Chúng tôi được cán bộ Hội nông dân hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Ngưu bàng, đến nay cây đang sinh trưởng và phát triển tốt”.
Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn cho hay: "Sau khi Công ty triển khai trồng cây Cúc vu và cây Ngưu bàng trên địa bàn thị trấn thì cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, sâu sát xuống cơ sở, họp tổ dân phố và triển khai đến toàn thể bà con nhân dân. Và sau khi triển khai, Hội Nông dân thị trấn phối kết hợp với Công ty để triển khai cho bà con tập huấn trong công tác làm đất, trồng và chăm sóc. Với việc áp dụng KHKT và tính toán của Công ty, năng suất của cây Ngưu bàng và cây Cúc vu sẽ gấp 2 - 3 lần so với cây bản địa trên cùng 1 diện tích".
Cây Ngưu bàng là cây trồng mới trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Với trên 7 ha đất nông nghiệp, trước đây, gia đình anh Trương Đức Thành ở tổ dân phố 7 chỉ trồng cây ăn quả và nuôi trâu song hiệu quả kinh tế chưa được như mong muốn. Qua tìm hiểu, nhận thấy nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao, anh Thành đã nghiên cứu kỹ thuật xây dựng chuồng trại, tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phát triển bò thương phẩm, bò sinh sản do Hội Nông dân tổ chức. Đầu năm 2023, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 13 con bò. Đến nay, ngoài nuôi bò, anh còn trồng mận, mía, quế và mắc ca.
Anh Trương Đức Thành cho biết: "Trước đây, chăn nuôi không áp dụng khoa học kỹ thuật, không tiêm phòng đầy đủ thì tỷ lệ các con giống bị bệnh chết rất nhiều. Khi xã, Hội nông dân có các chương trình tuyên truyền, tập huấn thì chúng tôi đã hiểu và biết việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi rất quan trọng. Gia đình tôi cũng đăng ký hỗ trợ chăn nuôi theo
Nghị quyết 69. Tôi thấy đây là một chính sách rất hay, tiếp sức cho các hộ chăn nuôi có thêm động lực phát triển, mở rộng mô hình và đặc biệt sẽ gây hiệu ứng tốt cho những hộ xung quanh cùng nhau phát triển, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu”.
Tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phát triển bò thương phẩm, bò sinh sản do Hội Nông dân tổ chức, mô hình nuôi bò của anh Trương Đức Thành đang phát triển tốt.
Sát cánh cùng hội viên, Hội Nông dân huyện Văn Chấn đã tích cực hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, công nghệ, vốn đầu tư, kinh nghiệm sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Nhờ đó đến nay, toàn huyện có trên 8.100 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, khẳng định vai trò của Hội Nông dân các cấp trong thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Ông Phan Nguyên Hà – Chủ tịch Hội nông dân huyện Văn Chấn cho biết: "Những năm qua, Hội nông dân huyện phối hợp với các ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp cho bà con nông dân được tham gia tập huấn cũng như đi học tập các mô hình kinh tế mới ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để có bước đi mới, lựa chọn cho mình những sản phẩm cây trồng, vật nuôi mới để đem lại hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác.
Cùng với đó, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho hội viên nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản do chính mình sản xuất ra. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu quảng bá các sản phẩm, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số cho nông dân. Chúng tôi cũng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết và vận động xây dựng sản phẩm có thương hiệu như nhãn hiệu tập thể hay sản phẩm OCOP để đưa lên sàn giao dịch điện tử”.
Những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân huyện Văn Chấn đã giúp nông dân chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp”, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, góp phần thúc đẩy hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thanh Chi – Mạnh Cường