Là địa phương có địa hình đồi núi đá, người dân xã Bạch Hà trước đây chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi song hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy lợi thế của địa phương phù hợp để phát triển đàn dê nên chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi sang nuôi dê theo hướng chăn thả tự nhiên.
Đã nuôi dê cách đây hơn chục năm, song chỉ nuôi nhỏ lẻ, đến năm 2022, được chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình ông Đặng Văn Nhậy - thôn Ngọn Ngòi đã chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Năm 2022, gia đình được hỗ trợ 8 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái (Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm) nên ông sửa sang lại chuồng trại, mua thêm dê giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ông Nhậy chia sẻ: Sau thời gian nuôi thử nghiệm, tôi thấy nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trâu bò. Đặc biệt, nuôi dê trên núi đá, dưới tán rừng bạch đàn rất nhàn bởi dê ăn cây cỏ trong các khe đá nên gần như không mất công chăn thả, không phải đầu tư thức ăn. Dê leo trèo nhiều nên thịt chắc, giàu dinh dưỡng nên được thương lái mua với giá cao ổn định hơn so với nuôi dê nhốt. Sản phẩm có đến đâu được các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến thu mua hết đến đó.
"Trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi và các hộ dân trong xã cũng được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh nên đàn dê gần 40 con của gia đình luôn khỏe mạnh. Mỗi năm gia đình xuất bán 25 con dê thịt, trung bình từ 25-28kg/con, giá bán 120.000 - 130.000 đồng/kg, cũng có thu nhập hơn 90 triệu đồng", ông Nhậy cho biết thêm.
Dê có đặc tính khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm. Hiệu quả từ nuôi dê khiến nhiều hộ dân trong xã tích cực chuyển đổi sang nuôi dê thương phẩm. Ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà thông tin: "Toàn xã hiện có hơn 40 hộ nuôi dê với tổng đàn trên 700 con. Từ năm 2020 đến nay, gần 20 hộ dân trong xã được hỗ trợ 8 triệu đồng/mô hình theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hàng năm, xã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho người dân. Nhờ vậy, đàn dê trên địa bàn được chăm sóc tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Chính quyền xã đang khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê thành lập tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong chăn nuôi và phối hợp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Đến thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Lê Văn Toàn và chị Phạm Hồng Nghĩa - thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên khi anh chị đang cho đàn dê ăn. Thức ăn cho dê mà anh chị chuẩn bị là cỏ, thân cây ngô, dây khoai lang. Vừa cho dê ăn anh Toàn vừa cho biết, qua tìm hiểu thấy con dê rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bệnh tật, phù hợp với điều kiện của gia đình lại cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2022 gia đình anh chị đã đầu tư làm 2 khu chuồng trại cao ráo, sạch sẽ và mua 30 dê về nuôi theo kiểu nhốt chuồng.
Được tập huấn, hướng dẫn kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh nên đàn dê của gia đình phát triển tốt. Sau 4 tháng xuất bán lứa đầu tiên 14 con, mỗi con gần 30 kg mang về cho gia đình gần 60 triệu đồng tiền lãi. Thấy hiệu quả kinh tế, gia đình anh tiếp tục nuôi các lứa tiếp theo. Đến nay, đàn dê của gia đình luôn duy trì trên 100 con.
"Nhiều lúc gia đình tôi không có đủ số lượng dê thương phẩm để cung cấp cho thị trường. Trong thời gian tới, gia đình mong muốn được tỉnh và huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để gia đình nhân rộng mô hình” - anh Toàn bày tỏ.
Toàn huyện Yên Bình hiện có gần 300 mô hình chăn nuôi dê với tổng đàn dê khoảng 8.000 con. Đàn dê phát triển mạnh ở các xã: Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Tân Nguyên, Mông Sơn, Tân Hương, Phúc An, Yên Thành, Cảm Nhân, Phúc Ninh và thị trấn Yên Bình. Việc phát triển chăn nuôi dê đang được huyện Yên Bình đánh giá là hướng đi đúng hướng, phù hợp và đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân.
Bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Các hộ nuôi dê trên địa bàn huyện đang nuôi theo 3 phương thức là: nuôi nhốt tại chuồng, nuôi trên đảo hồ Thác Bà và nuôi trên núi đá. Trung bình mỗi mô hình thường nuôi từ 25 - 30 con, đặc biệt có mô hình quy mô trên 100 con. Theo thống kê, các mô hình chăn nuôi quy mô từ 30 con trở lên sẽ đem lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.
Trong bối cảnh chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường cũng như dịch bệnh thì nuôi dê là sự đảm bảo chắc chắn trước cả 2 yếu tố này. Với những tiềm năng, lợi thế về nguồn thức ăn, bãi chăn thả, huyện Yên Bình đang tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó có nuôi dê để nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở các xã có địa hình núi đá. Ngoài các chính sách hỗ trợ chuồng trại và con giống, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng tích cực tập huấn về khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi dê bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Thanh Chi