Theo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có 756 HTX, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, trong đó có 436 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 115 HTX công nghiệp, 12 HTX vận tải, 157 HTX thương mại dịch vụ, 19 HTX xây dựng và 17 quỹ tín dụng nhân dân.
Thời gian qua, kinh tế HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết - hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít HTX làm ăn kém hiệu quả, trong đó có nhiều HTX chỉ sống trên danh nghĩa còn thực chất đã "chết lịm” từ lâu.
Thời gian qua, để xử lý dứt điểm các HTX này, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, song công tác xử lý các HTX ngừng hoạt động đến nay còn chậm, đạt hiệu quả thấp.
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải thể được 34 HTX, trong đó có 7 HTX chưa đăng ký tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Yên Bái vẫn còn đến 84 HTX không hoạt động chờ giải thể. Điều đáng nói, nhiều HTX dù chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa từ lâu, nhưng việc giải thể vấp phải rất nhiều rào cản.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: "Việc xử lý các HTX ngừng hoạt động đến nay còn chậm, chưa đạt hiệu quả như mong muốn chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc về xử lý các khoản nợ thuế. Hiện vẫn còn 50/84 HTX ngừng hoạt động còn tiền nợ thuế 3.142 triệu đồng. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân như: nợ tiền phạt do nợ thuế, nợ các cá nhân, tổ chức tín dụng. Số khác vướng mắc liên quan đến đất đai và các tài sản trên đất.
Ngoài ra, việc giải thể gặp khó khăn do ban quản trị một số HTX không thành lập được Hội đồng giải thể do thiếu đại diện thành viên Hội đồng quản trị (thành viên chết hoặc đã di chuyển khỏi địa phương, không liên lạc được). Nhiều HTX để thất lạc con dấu, mất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thất lạc hồ sơ sổ sách kế toán. Cá biệt, một số HTX không phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục giải thể, không có kinh phí thực hiện giải thể”.
Bên cạnh các nguyên nhân nói trên, cũng phải kể đến công tác quản lý nhà nước còn tồn tại một số hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện; Phương án xử lý HTX ở các địa phương đã được xây dựng, nhưng hầu hết nội dung còn chung chung; các kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của một số địa phương chưa cụ thể, rõ ràng; công tác phối hợp giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan với UBND các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử lý các HTX ngừng hoạt động hiệu quả còn thấp.
Có thể nói, việc để các HTX không hoạt động tồn tại trên giấy tờ nhiều năm qua sẽ gây khó cho công tác quản lý của Nhà nước và ảnh hưởng chung đến việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện nay. Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa để giải quyết dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, đặc biệt các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Đặc biệt, rà soát các HTX hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động quá 12 tháng để có phương án giải thể theo quy định. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan về nợ thuế cũng như sửa đổi các quy định giải thể HTX một cách phù hợp, đơn giản.
Nguyễn Văn