"Bắt tay” đưa nông sản xuất khẩu
Là người kinh doanh hàng hoá thực phẩm, giải khát hàng chục năm ở thị xã Nghĩa Lộ, song mỗi lần đi dạo trên cánh đồng Mường Lò, thấy người nông dân chân lấm tay bùn, sáng nắng chiều mưa "bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà thu nhập vẫn bấp bênh, ông Trần Minh Chiến - Giám đốc Công ty Bia Hà Nội - Yên Bái luôn trăn trở phải làm gì để giúp nhà nông làm giàu trên chính đồng đất quê mình.
Sau khi khảo sát ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, ông Chiến đã chọn cách "bắt tay” với người nông dân để chuyển đổi cây trồng, đưa nông sản của Mường Lò xuất khẩu ra nước ngoài. Nghĩ là làm, ông Chiến đã chủ động làm thủ tục đăng ký chuyển đổi ngành nghề kinh doanh xuất khẩu nông sản và chính danh là Công ty hỗ trợ nông dân trong xuất khẩu nông sản.
Bắt đầu từ năm 2023, doanh nghiệp của ông đã ký kết hợp đồng với các hộ dân ở các xã: Thanh Lương, Thạch Lương để trồng ớt xanh và dưa bao tử xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Chiến cho biết: "Một trong những lý do giúp các hộ nông dân yên tâm sản xuất chính là dưới sự hỗ trợ của Công ty, các sản phẩm ớt của người trồng sẽ được trợ giá, giúp sản xuất ổn định, tránh trường hợp được mùa mất giá. Khi ớt đến vụ thu hoạch, Công ty trực tiếp đến tận hộ thu mua. Đặc biệt, trồng ớt xanh và dưa bao tử cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với gieo cấy lúa và hoa màu trước đây”.
Để khẳng định cái "bắt tay” hiệu quả này, ông Chiến trực tiếp đưa chúng tôi đến các hộ để thu mua ớt. Dưới cái nắng hè gay gắt, những người nông dân đang thu hái ớt ướt đẫm mô hôi nhưng khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm vui.
Ông Bùi Văn Huân ở bản Đồng Lơi, xã Thanh Lương tất bật thu hái ớt để đạt đủ sản lượng giao cho Công ty phấn khởi chia sẻ: "Năm 2023, gia đình tôi đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty xuất khẩu nông sản đưa 2.000 m2 diện tích đất trồng ớt xanh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Được Công ty hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, phân bón, phun thuốc cho đến khi thu hoạch, đến nay, sau 2 vụ, thu nhập từ trồng ớt cao hơn gieo cấy lúa khá nhiều”.
Chỉ tay sang cánh đồng ớt xanh trĩu quả bên cạnh của gia đình ông Lường Văn Tuân, ông Huân khẳng định: "Để thu hái kịp cho Công ty, ông Tuân phải huy động cả nhà tham gia. Tuy mệt, nhưng rất vui - đó là tâm trạng chung của mọi người trong gia đình”.
Nghe vậy, ông Tuân hồ hởi chia sẻ: "Khi tham gia, tôi còn khá e ngại, song thấy nhiều hộ trồng ớt xuất khẩu cho thu nhập cao, gia đình tôi cũng đã chuyển 1.700 m2 đất ruộng sang trồng ớt. Sau 2 vụ, gia đình tôi bán được trên 100 triệu đồng”.
"Khi Công ty đến đặt vấn đề phối hợp với nông dân trồng ớt xuất khẩu, chúng tôi cũng đặt ra nhiều câu hỏi như: nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc cây ra sao? Đặc biệt là đầu ra của sản phẩm, bởi rút kinh nghiệm từ nhiều địa phương, nhiều nông sản đến khi thu hoạch đã bị doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người” khiến không ít hộ dân tham gia dự án lao đao. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự trả lời thấu đáo của Công ty, xã đã đứng ra làm trung gian soạn thảo hợp đồng giữa người nông dân và doanh nghiệp” - Ông Đinh Văn Inh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lương trực tiếp theo dõi Dự án cho biết.
Nông dân xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ trồng mướp đắng lấy hạt cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền và đưa người dân đi tìm hiểu thực tế tại các địa phương tham gia dự án. Qua đó, giúp người dân nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất địa phương; thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp thu mua đến đấy; giá cả thỏa thuận theo hợp đồng và nhất là hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, ngay từ vụ đầu đã có 37 hộ dân "bắt tay” với doanh nghiệp đăng ký trồng ớt, dưa bao tử xuất khẩu.
"Tiếng lành đồn xa”, nhiều hộ dân của xã Thanh Lương cũng tham gia đăng ký với doanh nghiệp để trồng ớt xanh và dưa bao tử xuất khẩu. Ông Hoàng Xuân Dương ở thôn Bản Kinh, xã Thanh Lương chia sẻ: "Chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của Công ty. Nhận thấy, đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất địa phương, thu hoạch đến đâu doanh nghiệp thu mua đến đấy, giá cả thỏa thuận theo hợp đồng nên tôi đã chuyển đổi 1.700 m2 đất để trồng ớt xanh xuất khẩu. Sau 2 vụ, gia đình tôi bán được trên 100 triệu đồng”.
Thực hiện sự chỉ đạo của thị xã Nghĩa Lộ, xã Thanh Lương đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng nông sản xuất khẩu cho hiệu quả cao. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, nông dân xã Thanh Lương đã trồng được 5 ha ớt xuất khẩu. Sau 2 vụ, nông dân đã bán cho doanh nghiệp thu mua để chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được hơn 1,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Giúp nông dân thay đổi tư duy
Không chỉ ở xã Thanh Lương, Thạch Lương, nông dân ở các xã, phường khác ở thị xã Nghĩa Lộ cũng thay đổi tư duy "bắt tay” với các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu nông sản để chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như 30 hộ ở xã Phúc Sơn mạnh dạn ký kết với Công ty Tân Lộc Phát - thành phố Hồ Chí Minh trồng mướp đắng lấy hạt. Là hộ đầu tiên tham gia mô hình, anh Lường Văn Sáng ở thôn Bản Lanh, xã Phúc Sơn đã mạnh dạn đầu tư 600 m2 đất nông nghiệp để trồng mướp đắng lấy hạt.
Anh Sáng cho biết: "Mỗi vụ thu về 24 triệu đồng, lãi cao lại không tốn công chăm sóc mà đầu ra ổn định, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác vào vụ sau”. Đến nay, sau 3 vụ đưa vào gieo trồng, hơn 30 hộ dân xã Phúc Sơn tham gia vào mô hình đều có thu nhập cao hơn từ 6 - 7 lần so với gieo cấy lúa.
Ông Đinh Văn Làn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn khẳng định: "Khi mới bắt đầu tham gia, người dân đã được Công ty chỉ dẫn trồng mướp đắng lấy hạt theo quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch hạt. Qua 3 vụ trồng, các hộ dân tham gia đều có thu nhập cao; thậm chí, còn xuất hiện nhiều hộ khá giả. Việc trồng mướp đắng lấy hạt đã đem lại hiệu quả cao, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các hộ dân tham gia vào mô hình này”.
Được biết, những năm gần đây, được sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ, liên kết của Công ty, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng mướp đắng lấy hạt. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người dân.
Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 3,45 ha trồng mướp đắng lấy hạt; trong đó, xã Sơn A 1,1 ha, xã Phúc Sơn 1,34 ha, xã Phù Nham 0,2 ha, xã Nghĩa An 0,5 ha, xã Hạnh Sơn 0,12 ha và xã Thạch Lương 0,73 ha… Đặc biệt, khi tham gia mô hình, các hộ dân còn được Công ty hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm… Đối với các hộ, chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật, cây trồng phát triển tốt, chỉ sau 5 - 6 tháng đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, ước tính trung bình mỗi vụ hạt, cứ 1.000 m2 cho người dân thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Có thể khẳng định, chính nhờ những cái "bắt tay” tiền tỷ giữa doanh nghiệp, nông dân đã và đang từng bước hình thành sẽ là bước tiến để thị xã Nghĩa Lộ chủ động kết nối với các công ty, hợp tác xã giúp người nông dân yên tâm mở rộng diện tích canh tác, hướng tới bao tiêu sản phẩm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích nông nghiệp ở thị xã miền Tây.
Ngọc Sơn