Thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ lực lượng DQTV huyện Yên Bình đã phát huy lợi thế của địa phương, tích cực tham gia phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình. Từ đó, toàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do lực lượng DQTV làm chủ, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và gây dựng hình ảnh đẹp về những
chiến sĩ "sao vuông” trong thời kỳ đổi mới.
Tới thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Hoàng Mạnh Luân ở thôn Mạ với ngành nghề chế biến gỗ, chúng tôi thấy không khí lao động sản xuất hăng say, an toàn và trách nhiệm. Anh Luân thường bám sát, chỉ bảo, hướng dẫn cho nhân công các quy trình sản xuất từ vận chuyển đến cắt khúc, bào tròn, cắt ván, phân loại và phơi khô.
Anh Luân chia sẻ: "Mỗi ngày, xưởng của gia đình tôi chế biến khoảng 10 m3 gỗ. Khối lượng công việc tương đối lớn, làm việc trong môi trường tiếng động lớn nên tôi phải bám sát quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn lao động và động viên mọi người. Xưởng thường duy trì 10 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, gồm chủ yếu là người cùng làng và đồng đội trong lực lượng DQTV xã. An toàn sản xuất với người lao động cũng là an toàn cho đồng đội, xóm làng và của chính xưởng sản xuất”.
Anh Luân cho biết thêm, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia đình còn trồng 5 ha rừng kinh tế và bao tiêu gỗ cho người dân, đồng đội tại địa phương. Với thu nhập bình quân 300 triệu đồng mỗi năm, gia đình anh Luân là hội sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, các chiến sĩ DQTV xã còn chủ động phát huy nội lực, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương. Phát huy lợi thế diện tích mặt nước trên hồ Thác Bà, diện tích đồi rừng và vùng trồng hoa màu lớn, các chiến sĩ DQTV tại địa phương đã gây dựng được 20 mô hình kinh tế với thu nhập bình quân từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Nữ dân quân Hoàng Thị Hồng Thương ở thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh đã gây dựng mô hình kinh tế trồng bưởi đặc sản Đại Minh kết hợp nuôi ong dưới tán bưởi và tăng gia chăn nuôi lợn, gà theo hướng công nghiệp đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng mỗi năm. Chị Thương chia sẻ: "Khi bắt đầu thực hiện, bản thân tôi và gia đình đã gặp không ít khó khăn, thử thách do thiếu kiến thức về canh tác để nâng cao sản lượng, chất lượng cho Bưởi Đại Minh. Song với sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của Ban CHQS xã, học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội trong lực lượng dân quân. Gia đình tôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc Bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ của Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện rau quả Trung ương… Qua đó, năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi đã được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Chị Thương cho biết thêm, từ hiệu quả kinh tế của gia đình, chị còn hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân trong và ngoài thôn phát triển trồng bưởi đặc sản. Chị đặc biệt quan tâm hỗ trợ các gia đình trong lực lượng dân quân xã về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi. Hiện nay, 8 mô hình kinh tế của dân quân trong thôn được chị Thương hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi đều có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
"Để không ngừng nâng cao chất lượng, năng suất của quả bưởi, tôi đã còn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, lực lượng dân quân địa phương tham gia vào các tổ hợp tác, HTX Đặc sản Bưởi Đại Minh và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Minh để tạo thành khối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Cùng đó, tôi cũng hướng dẫn mọi người áp dụng chuyển đổi số trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ Bưởi, giúp đỡ các hộ tạo mã QR Code truy xuất nguồn gốc Bưởi, bán sản phẩm Bưởi trên các sàn thương mại điện tử…” - chị Thương chia sẻ.
Cùng với mô hình kinh tế của anh Luân, chị Thương,
lực lượng DQTV huyện Yên Bình còn gần 70 mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, điển hình như: mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ của anh Phan Đạo Hưng - Tiểu đội trưởng Dân quân cơ động; mô hình xưởng chế biến gỗ bóc của anh Trần Quốc Đoàn - Thôn đội trưởng thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên; mô hình trang trại nuôi trâu và thả cá, trồng cam, bưởi của anh Vi Văn Nguyên - dân quân tự vệ xã Cảm Nhân; mô hình vườn ươm cây giống của anh Nguyễn Thanh Tiến - Thôn đội trưởng thôn Hương Lý, xã Đại Đồng... Đây đều là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm, tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân tại địa phương.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, những "Chiến sĩ sao vuông” như trên thực sự là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho cách làm mới, sáng tạo của lực lượng dân quân tự vệ của huyện Yên Bình trong thời kỳ đổi mới.
Hoài Văn