Năm 2010, gia đình Vàng A Chua ở bản Làng Sang, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải bắt tay vào nuôi dê. Do chưa có kinh nghiệm, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Chua đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi dê lên 30 con. Nay đàn dê đã tăng lên trên 40 con.
"Năm 2022, mô hình cho thu nhập gần 90 triệu đồng; năm 2023 trên 100 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay đã thu 60 triệu đồng. Ngoài nuôi dê, mình còn trồng được 2.000 cây sơn tra, 200 cây mận tam hoa, 2.500 gốc thảo quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Tổng thu nhập của nhà mình đạt trên 200 triệu đồng”, anh Chua phấn khởi chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Chua còn hướng dẫn các hộ khác thoát nghèo bằng cách nuôi dê và trồng sơn tra, thảo quả như gia đình mình. Bản thân và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương.
Không chỉ tích cực giúp đỡ các hộ đồng bào Mông thoát nghèo và làm giàu từ chăn nuôi, trồng trọt, huyện Mù Cang Chải còn chỉ đạo đưa các loại cây đặc sản vào trồng thử nghiệm tại địa phương như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và nhiều loại dược phẩm quý.
Đến nay, sau 5 năm trồng thử nghiệm, Công ty cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam đã trồng được nhiều loại sâm quý và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Ngoài sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu còn có sâm Vũ Diệp, tam thất, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa...
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Công ty cho biết, Mù Cang Chải có quỹ đất còn tương đối lớn, nguồn nhân công dồi dào nên dư địa phát triển rất tốt. Trong khi đó, thị trường sâm Ngọc Linh mới chỉ manh nha, sản lượng còn chưa đủ để phục vụ tươi. Sau này, sẽ có nhiều sản phẩm cần sử dụng nguyên liệu từ sâm, thậm chí phục vụ xuất khẩu nên thị trường và tiềm năng phát triển rất lớn.
"Nếu được quy hoạch tốt, Mù Cang Chải sẽ trở thành trung tâm cây dược liệu, không chỉ trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu mà còn nhiều loài dược liệu khác. Đến nay, trang trại sâm và cây dược liệu này đã bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại. Tùy theo độ tuổi của sâm, đã có những củ sâm bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/kg. Trang trại sâm và cây dược liệu còn tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng", ông Thuận thông tin.
Những thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để Công ty mở rộng diện tích cũng như bàn giao kỹ thuật cho người dân cùng phát triển.
Vận động nhân dân chuyển đổi co cấu cây trồng, vật nuôi, 5 năm qua, Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức gần 80 buổi với trên 150 lượt cán bộ, công chức xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; tuyên truyền xây dựng sản phẩm OCOP; phát triển chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi giá trị; hướng dẫn chăm sóc, tạo tán, cải tạo vườn cây ăn quả; trồng, chăm sóc cây dược liệu; hướng dẫn trồng rau sạch; tham gia cùng nhân dân trồng cây xanh, trồng hoa; lao động dọn vệ sinh môi trường; làm nhà ở cho hộ nghèo; làm đường giao thông…
Những công việc tưởng chừng đơn giản ấy sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân gần gũi, thấu hiểu, thân tình hơn; giúp người dân thay đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp thuần túy là tạo ra lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, đem lại thu nhập cao góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện cho biết: 5 năm qua, toàn huyện đã chuyển đổi trên 70 ha lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa và các loại rau màu hàng hóa tại xã Nậm Khắt; có trên 700 ha lúa chất lượng cao (lúa Séng cù và lúa nếp tan tại các xã Nậm Có, Cao Phạ, Khao Mang và Hồ Bốn…) cho sản lượng khoảng trên 2.600 tấn/năm.
Huyện hiện có trên 400 ha cây ăn quả, trong đó một số loài cây quả ôn đới chất lượng cao như lê, hồng giòn, đào chín sớm... tại Púng Luông, Nậm Khắt. Trên địa bàn đang thực hiện thử nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: mô hình rau an toàn, mô hình nấm trong nhà lưới; mô hình trồng cây dược liệu như cát cánh 3 ha, sâm 6 ha, tam thất 02 ha... tại các xã Kim Nọi, Púng Luông, Nậm Khắt.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã hỗ trợ nhân dân thực hiện được 528 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, xây dựng và thực hiện -7 dự án phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng được 10 sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp gồm: mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, chè Shan tuyết Púng Luông, gạo nếp tan Khau Phạ, trà Shan tuyết, táo mèo khô Mù Cang Chải, mật ong hoa rừng Nậm Khắt và trà sơn tra Tâm Phúc An, nấm hương, su su bao tử và gạo Séng cù Hồ Bốn.
"Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực chuyển đổi sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tiếp tục tuyên truyền xây dựng các sản phẩm OCOP và đề nghị cấp mã vùng trồng cho một số đặc sản của địa phương như lê, hồng giòn, nấm hương; tập trung tuyên truyền phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp”, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lương Văn Thư chia sẻ.
Mạnh Cường