Về xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của vùng quê này. Đó là những con đường nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp, những ngôi nhà được xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi bên màu xanh của rừng quế, nương dâu. Sự đổi thay này có sự đóng góp và đồng hành không nhỏ từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Trấn Yên (Agribank Trấn Yên).
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Báo Đáp - Nguyễn Ngọc Linh cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Agribank Trấn Yên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vốn để người dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách thuận lợi nhất. Đến nay, xã thành lập được 11 tổ vay vốn với 260 thành viên vay vốn với tổng dư nợ trên 41,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn; đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Điển hình như hộ ông Lê Thanh Tùng, thôn Đình Xây sau khi vay vốn đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình xưởng cơ khí mái tôn cho thu nhập bình quân hằng năm 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 - 5 công nhân. Hộ gia đình ông Nông Đình Khoa với mô hình sản xuất, chăn nuôi nông lâm kết hợp cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động.
Với phương châm: "Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank Trấn Yên đã triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bà Cao Kiều Oanh - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Trấn Yên cho biết: "Bám sát định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Trấn Yên và chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh của đơn vị, hằng năm chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, thời gian qua, để triển khai có hiệu quả nguồn vốn ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, Chi nhánh đã tiết giảm chi phí, nhiều lần giảm lãi suất huy động đầu vào để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng giúp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều chương trình cho vay hướng tới các đối tượng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng được triển khai như: Chương trình cho vay vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; chương trình cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản…”.
Theo số liệu của Agribank Trấn Yên, đến hết tháng 6/2024, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt trên 1.576 tỷ đồng, tăng 84,7 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 1.221 tỷ đồng, tăng 31 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 94% tổng dư nợ. Bên cạnh việc cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Chi nhánh còn chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân huyện để hợp tác cung ứng vốn tín dụng đến các hội viên nông dân phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Đến nay, Agribank Trấn Yên cùng Hội Nông dân huyện thành lập được 32 tổ vay vốn với 1.053 thành viên, tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt gần trên 150 tỷ đồng. Từ sự hợp tác này, đã giúp cho hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là việc đầu tư sản xuất những sản phẩm chủ lực của địa phương như: trồng dâu, nuôi tằm; trồng tre măng Bát độ; chăn nuôi quy mô hàng hóa; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, hữu cơ.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Agribank Trấn Yên chủ động cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của khách hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ cho các động lực tăng trưởng nền kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; qua đó, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Văn Thông