MSVT là một hệ thống nhận dạng "độc nhất vô nhị” cho mỗi vùng sản xuất nông sản. Mỗi vùng trồng sẽ được cấp một mã số riêng, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác. Điều này mang lại nhiều lợi ích quan trọng, MSVT cho phép theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Vì lẽ đó, MSVT được coi như "giấy thông hành” của nông sản khi lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu chính ngạch. Khi vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ được nâng tầm giá trị hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, khi tiếp cận và được cấp MSVT không những trình độ sản xuất của người dân cũng nâng lên mà còn giúp các cơ quan quản lý nắm bắt tình hình sản xuất, từ đó có những chính sách hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Với mục tiêu tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát các vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích, quy trình thiết lập, cấp, quản lý và giám sát MSVT; tổ chức tập huấn về MSVT cho các đối tượng như: cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng. Hàng năm xây dựng kế hoạch thiết lập, cấp, quản lý và giám sát MSVT trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương để triển khai. Nhờ tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện, đến nay, hoạt động thiết lập, cấp, quản lý và giám sát MSVT đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 89 MSVT với trên 1.114,3 ha. Trong đó, 41 mã số phục vụ xuất khẩu với 874,7 ha (chè, bưởi, dó bầu, thảo quả tại các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Mù Cang Chải) và 48 mã số phục vụ tiêu thụ nội địa với 239,6 ha (chè, lúa, cây ăn quả có múi, thanh long, chè, rau, chuối, nghệ, đao riềng, nấm tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái).
Các vùng trồng đều đảm bảo đủ các điều kiện để duy trì MSVT. Bên cạnh đó, công tác cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được thực hiện tốt, đáp ứng các quy định hiện hành. Việc cấp MSVT không chỉ giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, mà còn góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của nông sản Yên Bái trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và liên kết chuỗi giá trị tại tỉnh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp MSVT cũng gặp những khó khăn do Yên Bái là một tỉnh có diện tích lớn với nhiều vùng trồng cây trồng chủ lực ở các địa phương khác nhau, nên việc rà soát, đánh giá và cấp mã số cho tất cả các vùng trồng trên địa bàn tỉnh là một thách thức không nhỏ. Để được cấp mã số, các vùng trồng phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định. Việc kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc duy trì các điều kiện này là một công việc khá phức tạp và cần nhiều nguồn lực.
Trong khi đó, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh chưa đồng nhất, nhiều nơi trình độ người dân chưa thể thực hiện cập nhật thông tin sản xuất trên cơ sở dữ liệu quản lý theo quy định về cấp MSVT.
Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia đòi hỏi cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin hiện đại. Một số vùng trồng có thể còn thiếu về hạ tầng và điều này ảnh hưởng đến công tác cập nhật thông tin. Để vượt qua các thách thức này, ngành chuyên môn và các địa phương cần tiếp tục tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình cấp và duy trì MSVT.
Văn Thông