Thực hiện tiêu chí số 13, các địa phương đã vận động nhân dân thành lập mới các hợp tác xã (HTX); nhiều HTX thành lập từ trước cũng chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, khẳng định được vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh có 777 HTX với gần 34.000 thành viên, trong đó có 445 HTX nông - lâm nghiệp, thủy sản.
Đến thăm HTX Thủy sản Hoàng Kim xã Hán Đà, huyện Yên Bình đúng vào thời điểm HTX đang kéo cá để sản xuất. Ông Nguyễn Quyết - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay, HTX luôn duy trì số lượng khoảng 300 lồng cá, chủ yếu chăn nuôi cá lăng, cá diêu hồng và cá tầm. Năm 2021, HTX chính thức liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà thực hiện chế biến các sản phẩm từ cá”.
Hiện tại, HTX Thủy sản Hoàng Kim có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao: xúc xích cá lăng, chả cá lăng, giò cá lăng và ruốc cá lăng. Năm 2023, sản lượng bán ra đối với các sản phẩm cá đã qua chế biến của HTX đạt khoảng 5 tấn, sản lượng cá thương phẩm đạt khoảng 400 tấn, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện Yên Bình quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác đổi mới về công tác quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tham gia liên kết sản xuất chuỗi, đa dạng hóa các loại hàng hóa, đầu tư chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đến nay, toàn huyện có 98 HTX với lao động thường xuyên trên 800 người.
Bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thực hiện tiêu chí về chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Yên Bình đã thực hiện các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 22 xã và 39 sản phẩm OCOP. Trong đó, một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà... Do đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; năm 2023 đạt 2.890 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2011”.
Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 126 xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, đạt 94% kế hoạch năm. Trong những năm qua, các HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong XDNTM, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái khẳng định: "Thực tế cho thấy, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực thúc đẩy quá trình XDNTM. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Hiệu quả hoạt động của các HTX không chỉ góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí 13, mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông dân và nông thôn”.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã trở lên đạt chuẩn NTM, 7 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao và thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Văn Yên cơ bản đạt chuẩn huyện NTM và toàn tỉnh có thêm 39 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM; dự kiến hết năm toàn tỉnh có 117/150 xã đạt chuẩn NTM.
Đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, tổ hợp tác; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.
Hồng Duyên