Chuyện “ông Mặt trận”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2024 | 7:45:27 AM

YênBái - Những năm qua, để tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Đảng ủy xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa bao tử, bí, ớt... vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Được Ủy ban MTTQ xã Phúc Sơn vận động, người dân trong thôn đã trồng bí, mướp đắng lấy hạt cho hiệu quả kinh tế cao.
Được Ủy ban MTTQ xã Phúc Sơn vận động, người dân trong thôn đã trồng bí, mướp đắng lấy hạt cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lường Văn Sáng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Sơn chia sẻ: "Xác định vận động nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng là nhiệm vụ trọng tâm, Ủy ban MTTQ xã đã chủ động giúp người dân trực tiếp liên kết, phối hợp với Công ty TNHH Tân Lộc Phát để trồng cây bí, mướp đắng lấy hạt. Mô hình kinh tế mới này đã và đang đem lại hiệu quả cao, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu”. 

Để tiếp tục phát huy thế mạnh và nhân rộng hiệu quả mô hình, MTTQ xã đã cùng với các đơn vị thành viên như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã tổ chức tuyên truyền về hiệu quả mà mô hình đem lại cho hội viên và nhân dân; chỉ đạo trưởng ban công tác mặt trận các thôn, bản mạnh dạn thực hiện mô hình để các hộ dân thực hiện theo. 

Đồng thời, phối hợp với UBND xã rà soát những diện tích trồng lúa kém hiệu quả hay thường xuyên thiếu nước để vận động nhân dân chuyển đổi sang thực hiện mô hình trồng lấy hạt; phối hợp với Công ty TNHH Tân Lộc Phát, Công ty GOC ở Phú Thọ lựa chọn những giống cây phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng trên địa bàn xã và trực tiếp thu mua bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ xã còn phối hợp với Hội Nông dân xã cử các đồng chí trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, chi hội trưởng các chi hội đi học hỏi mô hình tại xã Thanh Lương, Phù Nham và đã có 4 hộ dân mạnh dạn thực hiện mô hình. 

Với diện tích trồng ban đầu là 2 ha bí lấy hạt có ký kết hợp đồng với Công ty và các hộ dân thực hiện mô hình được hướng dẫn, đánh giá kết quả mô hình... Qua vụ đầu tiên thực hiện, Ủy ban MTTQ cùng với Hội Nông dân xã đã tổng kết đánh giá, mô hình đem lại hiệu quả cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa; mỗi 1kg hạt bí cho thu nhập từ 400.000 - 650.000 đồng; trung bình 1.000 m2 cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/vụ, tiêu biểu như hộ ông Đinh Văn Tưởng, Đinh Văn Luân ở bản Lanh. 

Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, MTTQ xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, hay thiếu nước để chuyển sang thực hiện mô hình. Đặc biệt, năm 2022 - 2023, MTTQ xã đã cử 60 cán bộ, hội viên, nhân dân chia làm 2 đợt tham gia học hỏi mô hình tại 2 xã Thạch Lương, Nghĩa An. Đến nay, đã có trên 40 hộ tham gia mô hình với diện tích hơn 3 ha trồng bí và mướp đắng lấy hạt. 

Đơn cử, ông Đinh Văn Tưởng ở thôn Bản Lanh được MTTQ, Hội Nông dân xã trực tiếp đến gia đình tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi từ trồng màu sang trồng bí lấy hạt cho Công ty TNHH Tân Hiệp Phát. 

Lứa đầu tiên, được Công ty cung cấp hạt giống, ứng trước vật tư, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm, anh Tưởng đã mạnh dạn trồng 2.000m2 bí. Anh Tưởng chia sẻ: "Đến nay, sau 3 tháng trồng, gia đình tôi thu hoạch được 3.000 quả bí, tương đương với 70-75 kg hạt. Với giá Công ty mua vào là 800.000 đồng/kg, thu về hơn 56 triệu đồng, theo tính toán, tôi thấy trồng bí lấy hạt thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa”. 

Hưởng ứng chương trình của MTTQ, Hội Phụ nữ xã đã khảo sát nhu cầu, đời sống, từ đó tìm hướng vận động hội viên tham gia mô hình. Chị Lường Thị Thiết - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Sơn chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi đã và đang giúp hội viên triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình khác nhau như: trồng các loại rau, dưa leo bao tử, trồng ớt, bí, mướp đắng lấy hạt… 

Những mô hình này đã góp phần giúp chị em phụ nữ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”. Được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia đình bà Lường Thị Xuân ở thôn Bản Ngoa đã đưa vào trồng 2.000m2 diện tích giống ớt xanh do Công ty GOC Phú Thọ cung cấp giống. Được cán bộ kỹ thuật của Công ty và Tổ hợp tác nông sản xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây ớt phát triển tốt. Bà Xuân chia sẻ: "Qua 2 lứa trồng ớt xanh gia đình tôi thu hoạch được trên 2 tấn quả. Với giá bán 7.000 đồng/kg, trừ các chi phí, gia đình tôi thu về trên 10 triệu đồng; bình quân 1 vụ ớt cũng cho gia đình thu nhập 30 triệu đồng/1.000m2”. 

Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của MTTQ xã, đầu năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Sơn đã tổ chức ra mắt Tổ hợp tác Nông sản xã Phúc Sơn với 60 thành viên, với tổng diện tích hơn 5,6 ha trồng các loại cây như: ngô ngọt, dưa leo bao tử, ớt xanh xuất khẩu… 

Bà Lường Thị Thiết - Chủ tịch hội LHPN xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông sản xã Phúc Sơn cho biết thêm: "Tổ hợp tác đã ký kết với các công ty cung ứng cây giống, hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất, không lo tình trạng được mùa mất giá, mà tạo sự phát triển ổn định”. Có thể kể đến như gia đình tổ viên Hà Văn Phanh ở thôn Bản Lanh đã mạnh dạn chuyển đổi 700m2 diện tích đất lúa sang trồng dưa leo bao tử. Với tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng quả tốt, giá thu mua từ các công ty đạt 15.000 đồng/1kg, cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/vụ, cao hơn từ 6 - 7 lần so với trồng lúa. 


Sản phẩm quả bí lấy hạt của nông dân xã Phúc Sơn từ mô hình liên kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa và rau màu. 

Ông Lường Văn Sáng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Sơn khẳng định: "Sau hơn 3 năm vận động hội viên, nông dân chuyển đổi trồng cây rau màu sang loại cây trồng mới có giá trị thu nhập cao, đến nay đã có 70 hộ hội viên tham gia, nâng diện tích chuyển đổi lên 6,77ha gồm các mô hình trồng mướp, ngô ngọt, dưa bao tử, ớt... Các mô hình này đang được đánh giá là hướng đi mới nhiều triển vọng cho nông dân địa phương. Việc đồng thuận của nhân dân xã Phúc Sơn trong việc trồng cây lấy hạt  không chỉ giúp phát triển kinh tế, xã hội thuận lợi mà còn góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền xã thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội…, sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao”.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ xã còn chủ động tham mưu cho Đảng ủy xã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã; thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa các giống cây, con có thu nhập cao vào sản xuất. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về giảm nghèo, nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức; phát hiện, tôn vinh các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng… nhờ đó mỗi năm xã đã giảm 80 hộ nghèo…

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ xã Phúc Sơn tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp hội viên, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình trồng cây lấy hạt chất lượng cao. Đồng thời, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các thôn, bản rà soát số diện tích trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước tưới tiêu để chuyển đổi sang trồng cây lấy hạt chất lượng cao, giúp nhân dân có công việc ổn định, tăng thu nhập trên chính mảnh ruộng của gia đình. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực, Ủy ban MTTQ xã đã đặc biệt được người dân nơi đây gọi tên thân thuộc "Ông mặt trận” để luôn ghi nhớ, cảm ơn những gì họ có như ngày hôm nay.

Ngọc Sơn

Tags Phúc Sơn thị xã Nghĩa Lộ Mặt trận Tổ quốc

Các tin khác

Ngày 15/9/2024, Sở Tài chính tỉnh Yên Bái có văn bản số 1933/STC-QLNS hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Sở Công thương chủ trì phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu.

Sở Công thương chủ trì phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường, nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cơn bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề với ngành nông nghiệp Yên Bái với gần 6.000 ha cây trồng bị ngập úng, gẫy đổ, chết trắng giữa đồng khi đang vào mùa thu hoạch. Sau khi lũ rút, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang chỉ đạo nhân dân khẩn trương triển khai các biện pháp phục hồi diện tích lúa, hoa màu... nhằm sớm khôi phục sản xuất.

Sản phẩm miến dong của HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga, xã Quy Mông được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên hiện đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có sản phẩm miến đao Quy Mông OCOP 4 sao; 3 sản phẩm là miến tráng thái, bưởi Quy Mông, gạo nếp đen Quy Mông đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục