Thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo là: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Bởi vậy, cùng với tập trung chuyển đổi sang sản xuất các giống lúa lai cho năng suất cao, nhân dân đã đưa một số giống lúa mới như: Séng cù, ST24, ST25 vào trồng tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Nậm Có, Hồ Bốn... và đặc biệt là phát triển vùng trồng giống lúa nếp Tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, riêng vùng trồng nếp Tan hiện có tổng diện tích trên 250 ha, tổng sản lượng đạt trên 1.000 tấn.
Ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Theo diện tích địa phương thống kê, quản lý được, hiện nay, xã có khoảng 150 ha lúa nếp Tan, nhưng diện tích gieo trồng thực tế trong nhân dân có thể sẽ cao hơn. Nậm Có là địa phương có diện tích ruộng nước nhiều, đông dân, việc sản xuất giống lúa hàng năm của nhân dân từ trước đến nay chủ yếu vẫn theo nhu cầu tự phát của gia đình, chưa có đăng ký cụ thể”.
Cùng với phát triển diện tích gieo cấy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăm bón, để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu ra cũng như xây dựng thương hiệu, tạo uy tín về chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Năm 2021, xã Cao Phạ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ do ông Lò Văn Thuận ở bản Lìm Thái làm Giám đốc. HTX đã liên kết với 2 chi hội nông dân hơn 60 thành viên trong xã để cùng sản xuất lúa nếp Tan với tổng diện tích trên 14 ha, tổng sản lượng thóc trên 70 tấn/năm.
Bên cạnh sản lượng thóc của các thành viên HTX, trong niên vụ hàng năm, HTX còn thu mua thêm sản lượng thóc của các hộ dân không tham gia HTX nhưng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống, chế độ chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Còn ở xã Hồ Bốn, với vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhân dân đã phát triển mạnh lúa Séng cù với tổng diện tích sản xuất hiện nay trên 150 ha, sản lượng cung ứng ra thị trường từ 80 tấn trở lên/vụ vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa tạo nguồn cho xã phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Giàng A Tủa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Bốn cho biết: "Nhờ phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương nên lúa Séng cù trồng ở Hồ Bốn không chỉ cho năng suất cao với vụ xuân gần 50 tạ/ha và vụ mùa đạt trên 35 tạ/ha mà còn cho gạo trắng đẹp, cơm dẻo, thơm ngon. Hiện nay, gạo Séng cù xã Hồ Bốn được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện quan trọng để địa phương nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nhất là tạo cơ hội tốt để gạo Séng cù Hồ Bốn có cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến”.
Cùng với công tác quy hoạch, huyện còn tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi hàng năm của tỉnh, huyện; phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp đưa cơ giới hóa, công nghệ hiện đại vào sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, hết năm 2023, huyện có tổng 10 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao với 9 sản phẩm nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh chủ trương sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng cao đã góp phần tạo tiền đề quan trọng giúp huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 47.665 tấn, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 620 tỷ đồng.
Châu Á