Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, tuy địa phương còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, khí hậu giá rét, nắng hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ..., song xã đã chủ động chỉ đạo cán bộ, đảng viên, các thôn, bản triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ như: đưa các loại giống lai cho năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh; tu sửa các công trình thủy lợi, khơi thông kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới tiêu cho ruộng đồng; phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi... nâng cao hiệu quả kinh tế”. Nhờ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 9 tháng năm 2024, nhân dân trong xã đã thành lập mới được 10 tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi của các cấp, các ngành. Riêng hoạt động tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 31,555 tỷ đồng cho 462 lượt hộ dân vay đầu tư phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong năm 2024, xã đã chỉ đạo nhân dân gieo trồng trên 315 ha cây lương thực có hạt gồm 215 ha lúa, và 100 ha ngô, đạt 100% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực có hạt đến tháng 9 ước đạt 1.408/2.190 tấn, đạt 64% nghị quyết.
Ngoài cây lương thực có hạt, thực hiện chủ trương nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa nương, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ với tổng diện tích 145 ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất 138 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.014 tấn, mang lại thu nhập không nhỏ cho nhân dân.
Ông Phàng A Chua, thôn Tà Xùa chia sẻ: "Diện tích đất này trước đây tôi trồng lúa nương và ngô, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, nhưng từ khi tôi chuyển sang trồng khoai sọ, thu nhập gấp 3 đến 4 lần. Hiện nay, mỗi vụ gia đình có thu trên 40 triệu đồng từ trồng khoai sọ, gia đình có thêm điều kiện để nuôi con cái ăn học”.
Cùng với cây nông nghiệp ngắn ngày, nhân dân xã Bản Công còn tích cực phát triển cây nông nghiệp dài ngày. Xã đã trồng được 222 ha chè vùng cao, hiện đã có 112 ha cho thu hoạch sản phẩm với sản lượng hàng năm đạt 248 tấn; trồng 33 ha măng sặt, 7,6 ha cây ăn quả các loại... Đặc biệt, với lợi thế của xã vùng cao, nhiều diện tích đất đồi trống thuận lợi cho chăn thả gia súc tự nhiên theo mùa cũng như trồng cỏ nên nhân dân đã tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá tập trung.
Hiện nay, xã duy trì tổng đàn gia súc chính đạt trên 4.600 con, đàn gia cầm các loại 14.987 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 44/55,8 tấn, đạt 79% kế hoạch giao. Nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi, điển hình như các hộ ông Thào A Chống, Mùa A Páo, thôn Sán Trá...
Để từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân, năm 2024, xã Bản Công đã đăng ký cho 28 hộ được hỗ trợ làm nhà ở và đã có 14/28 hộ hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng công tác đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ cho lao động nông thôn.
Tính riêng năm 2024, xã đã giải quyết việc làm cho 30/56 lao động; kết nối với các tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ được 44 con lợn giống cùng nhiều chính sách khác cho 44 hộ dự kiến thoát nghèo trong năm 2024 đảm bảo thoát nghèo theo kế hoạch.
Châu Á