Trận lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều cánh đồng màu mỡ của xã Âu Lâu bị chìm trong biển cát. Chỉ tay về phía cánh đồng trước nhà văn hóa thôn, ông Hồ Ngọc Chính - Trưởng thôn Cửa Ngòi chua xót: "Thôn tôi có 120 hộ dân với 450 nhân khẩu, sống chủ yếu làm nông nghiệp. Trận "đại hồng thủy” đã mang theo bùn đất, đá, cát, vùi lấp gần như hoàn toàn diện tích canh tác của người dân”.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng của thôn, chứng kiến cát và đất đã phủ kín cả cánh đồng, có những nơi bị vùi lấp cao đến cả mét, nhìn cả cánh đồng bị sa mạc hóa, Trưởng thôn Hồ Ngọc Chính không khỏi lo lắng: "Từ khi nước rút, cùng với khắc phục, vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống, người dân cũng đang nỗ lực xuống đồng "cứu ruộng”. Nhưng thật sự dùng sức người thì rất khó khắc phục, có máy móc thì may ra mới làm nổi. Nếu không có biện pháp sớm khắc phục thì không biết cuộc sống của người dân trong thôn sẽ như thế nào”.
Không chỉ ở thôn Cửa Ngòi, những cánh đồng màu mỡ ở các thôn Cống Đá, Đồng Đình, Đoàn Kết của xã Âu Lâu cũng bị lũ cát, lũ đất vùi lấp. Tại thôn Cống Đá, mưa lũ cũng khiến hàng chục ha ruộng lúa và rau màu của người dân bị ảnh hưởng, hệ thống nhà lưới của Hợp tác xã Rau an toàn Âu Lâu bị hỏng toàn bộ, nhà điều hành, nhà sơ chế bị ngập và hư hại tài sản, hệ thống tưới tiêu cũng bị vùi lấp ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quang Sáng, thôn Cống Đá cho biết: "Đất ruộng và hoa màu của thôn bị bùn đất vùi lấp sau lũ, rất khó khăn cho sản xuất. Nhà tôi có hơn một mẫu rau màu đã và đang chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, mưa lũ ập đến khiến toàn bộ diện tích rau của gia đình tôi mất trắng. Thiệt hại đã đành nhưng giờ việc tái sản xuất cũng khó khăn do hệ thống tưới tiêu bị vùi lấp. Rất mong chính quyền có biện pháp khôi phục lại hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nếu không nhiều hộ dân như chúng tôi sẽ không có công ăn việc làm”.
Theo thống kê, thiệt hại trên địa bàn xã Âu Lâu rất lớn, mưa lũ làm trên 38 ha lúa và trên 13,8 ha ngô, rau màu bị xóa sổ, một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, hàng trăm con gia súc gia cầm bị cuốn trôi... Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 7,7 km kênh mương bị vùi lấp; đê Đầm Vông bị vỡ hỏng; trạm bơm thôn Cửa Ngòi, Cống Đá bị ngập hỏng.
Bà Đỗ Thị Ngân Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết: "Sau lũ, chính quyền xã đã tổ chức thống kê thiệt hại, hướng dẫn hộ dân kê khai cũng như làm các thủ tục thực hiện theo quy định của Nhà nước, Nghị định 02 của Chính phủ; chỉ đạo tái thiết sản xuất đối với các diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nhẹ; chỉ đạo bộ phận chuyên môn và các thôn xây dựng kế hoạch phương án vệ sinh đồng ruộng, phun khử khuẩn các khu công cộng, các chuồng trại chăn nuôi đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Đối với khu vực thiệt hại nặng bị vùi lấp rất sâu, chính quyền xã sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Yên Bái cải tạo lại ruộng đất, đồng thời đề nghị tỉnh cho chủ trương sửa chữa lại các tuyến đê bao thôn Cống Đá, sửa chữa trạm bơm Cống Đá, Cửa Ngòi, khôi phục, sửa chữa xây dựng các tuyến mương chính phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, đặc biệt cho vụ đông xuân tới”.
Hiện nay, chính quyền và nhân dân xã Âu Lâu vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả do thiên tại để lại. Tuy nhiên, để có mặt bằng sản xuất phải tốn rất nhiều công sức và chi phí mới có thể khôi phục được vì đất, cát đã làm sa mạc hóa đồng ruộng. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp, chính quyền thành phố Yên Bái cần có giải pháp để giúp người dân khắc phục hậu quả do việc cát bồi lấp nhiều cánh đồng; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cây trồng trên diện tích pha cát, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống.
Văn Thông