Công dân đang nợ thuế cần lưu ý, có thể sẽ bị tạm hoãn xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu trên cả nước và không thể ra nước ngoài để công tác hay du lịch. Đây là quy định trong Luật quản lý thuế sửa đổi và Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo thông báo của Cục thuế tỉnh Nghệ An gửi đến Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an nêu rõ, cá nhân là đại diện pháp luật của công ty ở địa phương này bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế và thời gian tạm hoãn sẽ kéo dài cho đến khi doanh nghiệp này hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
"Người thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là những người có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước nhưng đến thời hạn vẫn chưa nộp. Khi đã xác định có nợ thuế, họ sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Điều này áp dụng cho các trường hợp: Người nợ thuế đang bị cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về thuế, người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, người nước ngoài chuẩn bị xuất cảnh từ Việt Nam nhưng chưa nộp đủ thuế. Những cá nhân này sẽ bị cấm xuất cảnh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định", bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính cho biết.
Theo bà Nguyễn Thu Trà cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật, không quy định ngưỡng nợ nào phải tạm hoãn xuất cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh thường áp dụng với những người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về thuế. Người nộp thuế chây ì, kéo dài thời gian không nộp thuế, sẽ bị xem xét và có thể nhận thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Cơ quan thuế thường đưa ra nhiều cảnh báo cho người nộp thuế về việc thanh toán các khoản thuế. Ví dụ, sau 30 ngày nợ, người nộp thuế sẽ nhận được thông báo nhắc nhở về việc còn nợ thuế để khẩn trương nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu sau 90 ngày từ khi nhận thông báo mà vẫn chưa thanh toán, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế và có thể xem xét việc tạm hoãn xuất cảnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành hơn 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế và tổng số nợ thuế của những cá nhân này là gần 51.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết mình nợ thuế cho đến khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay. Thời gian gần đây, vấn đề này đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau và ý kiến nào cũng thuyết phục.
"Thời gian qua, cơ quan thuế tăng cường áo dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với những người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn còn nợ thuế. Đây là những người cố tình không nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Đối với những trường hợp này, không nộp thuế một đồng cũng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế", bà Nguyễn Thu Trà khẳng định.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Trà, trong trường hợp người nộp thuế không nhận được thông báo nợ thuế, nguyên nhân thường do đã thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, dẫn đến việc thông báo không đúng người nhận. Đây là một điểm mà cơ quan thuế thường xuyên khuyến cáo: người nộp thuế cần cập nhật thông tin liên quan đến địa chỉ nhận thông báo thuế và thông tin liên lạc với cơ quan thuế, để đảm bảo nhận đầy đủ các thông tin từ cơ quan quản lý.
Đối với trường hợp người nợ thuế ra đến sân bay rồi mới biết bị cấm xuất cảnh, có thể do thông tin địa chỉ của người nộp thuế không chính xác, dẫn đến việc họ không nhận được thông báo của cơ quan thuế. Tại sân bay, người nộp thuế có thể nộp thuế. Trong trường hợp người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, phải mất 24 giờ để cơ quan thuế ban hành thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh và chuyển cho cơ quan xuất nhập cảnh thực hiện hủy tạm hoãn xuất cảnh. Người nộp thuế hoàn toàn có thể đến sân bay nộp thuế qua hệ thống nộp thuế điện tử của cơ quan thuế hoặc nộp bằng eTax Mobile (ứng dụng thuế điện tử được cài đặt trên điện thoại di động thông minh). Tuy nhiên, cần có thời gian để cơ quan thuế kiểm tra lại chứng từ nộp thuế và ban hành thông báo tạm hoãn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
"Thông thường, nếu người nộp thuế không nợ thuế, họ tự khai báo, tự nộp thuế và sẽ luôn cập nhật quá trình thay đổi địa chỉ, thông tin, đồng thời nắm rõ thời hạn phải nộp thuế. Đối với những người đã nợ thuế, hàng tháng, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo nợ thuế đến hòm thư điện tử mà người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân hay những người nộp thuế không kê khai hòm thư điện tử với cơ quan thuế, cơ quan thuế vẫn phải gửi thông báo qua đường bưu chính. Nhiều cơ quan thuế nhận lại rất nhiều thư trả về vì không gửi được đến đúng địa chỉ, gây ra chi phí lớn cho ngành thuế. Hiện nay, phương án nhận thông báo qua hòm thư điện tử, tra cứu trên website hoặc nhận qua eTax Mobile là phương án hữu hiệu nhất đối với người nộp thuế để có thể nắm được số thuế họ phải nộp", bà Nguyễn Thu Trà chia sẻ.
Việc truy thu các khoản nợ thuế cũng là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan thuế có nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước cũng có quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Có thể có nhiều giải pháp khác nhau nữa, doanh nghiệp cũng có thể bị cấm hoạt động, bị phong tỏa tài khoản nhưng tất cả đều tìm cách thông báo thông tin cho người nợ thuế được biết, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, ngoài thông báo hàng tháng về nợ thuế cho người nộp thuế, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh rất nhiều kênh để thông tin nợ thuế đến người nộp thuế. Ví dụ như: Trang thông tin trên hệ thống khai nộp thuế điện tử, hệ thống eTax Mobile. Hệ thống eTax Mobile của ngành thuế cho phép thông báo, nhắc nhở mới của cơ quan thuế đến người nộp thuế để không bị lọt thông tin của cơ quan thuế thông báo. Về SMS (nhắn tin văn bản), một số cơ quan thuế, Cục thuế các tỉnh, thành phố đã triển khai phương án nhắn tin đến cho người nộp thuế, cho người đại diện pháp luật hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp để biết được họ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, SMS đến người nộp thuế cũng sẽ tốn chi phí của ngành thuế.
Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh triển khai, áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Bởi số lượng người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, mang theo khoản nợ rất lớn là 15.600 tỷ đồng. Với biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế vừa qua đã thu được gần 2.000 tỷ đồng. Đây là một biện pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, các kênh thông tin truyền thông đã đăng tải rất nhiều thông tin liên quan đến biện pháp cưỡng chế của ngành thuế, cũng là lời nhắc nhở cho người nộp thuế biết được cần phải quan tâm đến số nợ của mình.
"Số tiền 2.000 tỷ đồng, chưa tính đến những khoản thu trong thời gian gần đây, cho thấy nhiều cá nhân nộp thuế dù chưa bị tạm hoãn xuất cảnh, họ đã tự nguyện chủ động thanh toán nợ thuế. Trong 3 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trước khi có kế hoạch xuất cảnh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình. Do đó, ngành thuế sẽ tiếp tục cải tiến các biện pháp thu hồi nợ thuế nhằm đảm bảo việc thu hồi hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và không gây cản trở kế hoạch xuất cảnh của họ", bà Nguyễn Thu Trà nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 9, cơ quan thuế đã thu được hơn 1.800 tỷ đồng từ gần 2.900 người đã bị tạm hoãn xuất cảnh. Có thể nói cấm xuất cảnh được xem là biện pháp cưỡng chế bổ sung để tăng hiệu quả thu hồi các khoản nợ thuế, nhất là của các doanh nghiệp cố tình chây ì, thậm chí là trốn thuế. Tuy nhiên, nên có quy định một ngưỡng nợ thuế cụ thể mới bị tạm cấm xuất cảnh. Cần đảm bảo sự công bằng trong xử lý, vì việc cấm xuất cảnh của doanh nghiệp nợ vài trăm nghìn đồng sẽ khác với nợ vài tỷ đồng, thậm chí là cả trăm tỷ đồng. Do vậy, nên có cơ chế để nhắc nợ liên tục và đảm bảo rằng người nợ thuế được biết nghĩa vụ thuế của mình, để họ có thể chủ động tham gia đóng thuế, tránh tình trạng ra đến sân bay rồi mới biết là mình bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế.
(Theo VTV)