Những ngày này, thời tiết chuyển lạnh, lượng người dân đến khám, chữa bệnh (KCB) tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đông hơn hẳn so với ngày thường, trong đó số lượng người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, đau nhức cơ, xương khớp, viêm phế quản hay trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm mũi, họng, viêm phế quản, viêm phổi… chiếm tỷ lệ khá cao.
Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Cùng với việc thực hiện tốt công tác KCB, chúng tôi đã chủ động lồng ghép việc tư vấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng bệnh theo mùa cho người dân để họ biết cách tự chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, triển khai công tác giám sát, phát hiện bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học và chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất cũng như các phương án cần thiết để dự phòng những diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra”.
Tìm hiểu thực tế, các địa phương trên toàn tỉnh đã xác định lấy dự phòng làm giải pháp ưu tiên trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân. Ngoài những nỗ lực nhằm đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân, các địa phương phát huy tối đa vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản phụ trách địa bàn đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, trực tiếp vận động cộng đồng thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông - xuân.
Theo báo cáo, 9 tháng năm 2024, bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: cúm, adeno vi rút, ho gà, sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng… nhưng không bùng phát thành dịch lớn. Tuy nhiên, dự báo diễn biến các bệnh gây dịch trên địa bàn khá phức tạp như: sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu...
Căn cứ tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh cùng với sự thay đổi bất thường của yếu tố khí hậu, nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động để chủ động, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Trên cơ sở đó, các cơ sở điều trị, giám sát chủ động các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.
Đồng thời, điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đối với các ca sốt phát ban nghi sởi nặng, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút…
Song song với đó, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn.
Ngoài ra, các cơ sở điều trị tập trung các nguồn lực, nhân lực để điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong. Đối với các địa phương, cơ sở y tế triển khai tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, tập huấn công tác điều trị người bệnh và kịp thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu.
Theo chuyên gia y tế, giải pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, góp phần không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Người lớn phải tiêm vắc xin phòng bệnh để kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hơn thế, trẻ nhỏ cần cho đi tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân mà ngành y tế đưa ra. Song song với đó, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời”.
Dự báo thời tiết thời gian tới có diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống dịch bệnh đông xuân, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Phải giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để không để dịch bệnh lây lan. Kế đến, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ. Bên cạnh đó, các cơ sở KCB thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung...; đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Đặc biệt, ngành y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành liên quan để có những biện pháp hiệu quả nhất khi có tình huống xảy ra...”.
Trần Minh