Việc gia tăng giao lưu, đi lại là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia cầm tăng cao cũng dẫn đến nguy cơ xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm.
Bác sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, góp phần không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Đồng thời các bậc phụ huynh cần cho trẻ nhỏ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi tiêm để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Người lớn cũng cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh, từ đó có thể kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những trường hợp còn quá nhỏ để có thể tiêm vắc xin hoặc chưa được bảo vệ đầy đủ.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa
đông xuân mà ngành y tế đưa ra, như: giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp...
Song song với đó, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Hết tháng 9/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 23 ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố với 403 ca mắc, trong đó, 7 ổ dịch cúm với 92 ca mắc; 2 ổ dịch tay chân miệng với 15 ca mắc; 12 ổ dịch thủy đậu với 143 ca mắc; 2 ổ dịch lỵ với 153 ca mắc, các ổ dịch đều được phát hiện xử lý kịp thời. Trước thực tế đó, ngành y tế đã ban hành kế hoạch cụ thể với các mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là cơ quan thường trực phòng, chống dịch bệnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và các đội chống dịch cơ động tại đơn vị.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.
Ngành y tế tỉnh chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; thường xuyên nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn.
Các cơ sở điều trị tập trung các nguồn lực, nhân lực để điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong; các địa phương, cơ sở y tế tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, tập huấn công tác điều trị người bệnh và kịp thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đông xuân, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Trước hết tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 98,5%. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung... Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh lưu hành nhóm B đến mọi người dân. Hơn thế, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để có những biện pháp hiệu quả nhất khi có tình huống xảy ra, không để dịch lây lan diện rộng ra cộng đồng”.
Trần Minh