Huyện Yên Bình là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh của tỉnh. Để hoàn thành kế hoạch trồng mới 3.100 ha rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình đã chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức trồng rừng, chăm sóc những diện tích rừng mới trồng, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại rừng trồng. Nhờ làm tốt công tác thiết kế, chuẩn bị tốt giống cây lâm nghiệp nên đến nay huyện đã hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng và khai thác rừng của năm.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: "Hiện, toàn huyện đã trồng mới được trên 3.146 ha, đạt 101,5% kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung 2.446,64 ha, trong đó có 1.691,48 ha keo; 152,50 ha bồ đề; 250,90 ha bạch đàn; 282,2 ha quế và 69,56 ha tre Bát độ, trồng cây phân tán được 700 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện có 616,7 ha rừng bị thiệt hại, trong đó, diện tích thiệt hại hoàn toàn là 240,69 ha. Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng bổ sung, trồng lại rừng để phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại”.
Không chỉ ở huyện Yên Bình, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng của năm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến ngày 3/10, toàn tỉnh đã trồng được 15.438,9 ha rừng, đạt 102,9% kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung 10.105,9 ha, trồng cây phân tán quy diện tích là 5.333 ha. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lâm nghiệp nói riêng.
Theo thống kê, bão số 3 đã làm thiệt hại trên 1.444 ha rừng trồng sản xuất, cây lâm sản ngoài gỗ và vườn ươm cây giống, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại trên 70% là 961,6 ha; diện tích rừng bị thiệt hại từ 50-70% là 482,7 ha và trên 3.000 cây xanh đô thị, cây bóng mát bị gẫy đổ; ước thiệt hại khoảng 19,252 tỷ đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người trồng rừng mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 về sản xuất nông, lâm nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để khôi phục lại sản xuất, đồng thời khắc phục, bù đắp một phần thiệt hại trong lĩnh vực lâm nghiệp, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 cũng như giá trị sản xuất của lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục đã xây dựng kế hoạch khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp sau bão số 3.
Theo đó, các địa phương sẽ trồng bổ sung khoảng 400 ha rừng sản xuất chủ yếu bằng cây quế và một số cây lâm nghiệp chính khác, trong đó Trấn Yên 50 ha; Văn Chấn 30 ha; Yên Bình 50 ha; Lục Yên 70 ha và Văn Yên 200 ha. Cùng với trồng rừng bổ sung các địa phương cũng đẩy mạnh khai thác rừng bổ sung với sản lượng gỗ khai thác tăng thêm khoảng 20.000 m3, giá trị khoảng 35,331 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng thêm khoảng 16,080 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương thống kê toàn bộ thiệt hại trong sản xuất lâm nghiệp do cơn bão số 3 gây ra một cách chính xác, đầy đủ, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục đảm bảo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương rà soát quỹ đất trống sau khai thác để triển khai thực hiện trồng rừng theo kế hoạch bổ sung; tuyên truyền vận động các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tăng sản lượng thu mua, không ép giá đối với các hộ gia đình có diện tích rừng đủ điều kiện khai thác.
Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, trồng bổ sung, trồng lại rừng để phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại cũng như các biện pháp khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng vườn ươm để đưa vào sản xuất cây giống phục vụ công tác phát triển rừng. Ưu tiên trồng cây bản địa, cây bản địa đa tác dụng; cây có tán lá rậm, hệ rễ phát triển; cây sống lâu năm; cây có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện khắc nghiệt.
Văn Thông