Tạo đà cho sản xuất công nghiệp Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2024 | 8:45:42 AM

YênBái - Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung các giải pháp nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, cũng để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo…

Sản xuất ván dán Plywood ở Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh.
Sản xuất ván dán Plywood ở Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh.

Những ngày này, công nhân, người lao động của Nhà máy Chế biến gỗ ván ép Plywood của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh đang nỗ lực hoàn thành sản phẩm cho các đơn hàng xuất xưởng. Ông Bùi Đức Lâm - Giám đốc Nhà máy cho biết: "Cùng với việc tăng tốc sản xuất, Công ty tiếp tục tăng cường cải tiến các thiết bị để nâng cao công suất, sản lượng, chất lượng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Hiện, sản phẩm ván Plywood của doanh nghiệp không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà đã vươn tới xuất khẩu trực tiếp ở những thị trường khó tính như Hòa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… Từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng 2.000 khối sản phẩm thành phẩm, giải quyết việc làm cho 140 công nhân với mức lương trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng”. 

Không chỉ Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, hiện các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tận dụng "thời gian vàng” trong những tháng cuối năm, tập trung mọi nguồn lực tăng tốc sản xuất, trong đó, ghi nhận nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường, như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa châu Âu Yên Bái, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Công ty TNHH MTV Cơ khí 83, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái; Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái VPG,.... 

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; áp lực lạm phát gia tăng, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm đã tác động đến nhiều quốc gia có nền kinh tế mở, trong đó có Việt Nam. 

Cùng khó khăn trên, các doanh nghiệp Yên Bái còn phải đối mặt với một số vấn đề như: thị trường xuất khẩu một số hàng hóa chủ lực gặp nhiều khó khăn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; một số ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng chậm; tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan, mưa lũ, cháy rừng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh. 

Trước thực trạng trên, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, dự án thủy điện, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại tiếp tục duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. 

Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, để hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp của năm 2024, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tốt với các các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Cục Thống kê tỉnh rà soát, thống kê các doanh nghiệp để tổng hợp tính toán đầy đủ sản lượng, sản phẩm; phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện để thu hồi, xem xét cấp cho nhà đầu tư mới có đủ năng lượng thực hiện. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực công thương trong quý IV/2024. 

Trong đó, rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và có các biện pháp khắc phục để các cơ sở sản xuất trở lại hoạt động sản xuất bình thường; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thu hút đầu tư. 

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án: sản xuất, chế biến chì - kẽm, đồng, khai thác chế biến đá vôi trắng, luyện gang thép, các dự án thủy điện, điện mặt trời, chế biến gỗ chất lượng cao... để nhanh chóng hoàn thành đi vào sản xuất. 

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái; đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái; Nghị quyết số 30/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ trong đó, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại; triển khai sâu rộng đề án, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh, của ngành. 

Đồng thời đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án chế biến, chế tạo có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu Công nghiệp Trấn Yên; triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Minh Quân, Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3. 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công; tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các Hiệp định FTA theo ngành hàng, thị trường cụ thể; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp theo hệ sinh thái các ngành hàng, liên kết với các địa phương có cùng tiềm năng, thế mạnh tranh thủ các lợi thế của các hiệp định FTA đã đạt được; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, định hướng cho doanh nghiệp chủ động phát triển sản xuất.

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tháng 9 ước đạt 1.652 tỷ đồng, tăng 7,07% so với cùng ỳ 2023; 9 tháng ước đạt 13.737 tỷ đồng, tăng 10,34 % so với cùng kỳ 2023, đạt 101,8% so với kịch bản 9 tháng, bằng 74,66% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 dự ước tăng 9,86% so với cùng kỳ 2023. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng giảm 28,09%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,17%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,55%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,74%.

Văn Thông

Tags Yên Bái sản xuất công nghiệp kinh doanh

Các tin khác
Giá vàng trong nước ghi nhận mức tăng đáng kể sau 1 tuần giao dịch.

Giá vàng thế giới hôm nay (28/10) có xu hướng giảm khi đồng USD giữ vị thế tăng trưởng. Trong nước, giá vàng miếng ổn định ở mức 87,0 - 89,0 triệu đồng/lượng, tăng 3 triệu đồng sau 1 tuần, còn vàng nhẫn tăng 3,3 triệu đồng, giao dịch quanh mức đỉnh lịch sử.

Chế biến từ hạt nếp Tan còn ngậm sữa, sản phẩm cốm Tú Lệ đã trở thành hàng hóa có giá trị.

Tháng 10 về, nếp Tú Lệ chính thức khép lại mùa thu hoạch và bắt đầu hành trình mới đến tay khách hàng. Với trên 100 ha, sản lượng đạt khoảng 500 tấn thóc, người trồng lúa nếp ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hàng năm thu về trên 11 tỷ đồng với sản phẩm được người tiêu dùng trên cả nước săn đón, ưa chuộng.

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về cách chăm sóc những diện tích cam chưa nhiễm bệnh.

Cây cam đã từng là cây trồng chủ lực xoá đói giảm nghèo, là niềm tự hào của người dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn mỗi khi nói đến và đã được công nhận Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn”. Tuy nhiên, hiện tượng vàng lá thối rễ dẫn đến việc người dân phải chặt bỏ khiến diện tích trồng cam của toàn huyện giảm một nửa. Để giữ vững thương hiệu “Cam Văn Chấn” đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và cả huyện Văn Chấn khi diện tích cam giảm đi trầm trọng.

Sản phẩm, dịch vụ chuẩn Halal phải đáp ứng yêu cầu kỹ lưỡng và phải được trao chứng chỉ

Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal trở thành một ngành thế mạnh, trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục