Ngậm ngùi phá bỏ cây cam
Thị trấn Nông trường Trần Phú từng nổi tiếng là địa phương có diện tích cam nhiều nhất nhì của huyện. Thời kỳ nhiều nhất, cả xã có hơn 500 ha cam. Cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực làm giàu cho người dân trong xã, không ít nhà có bạc tỷ từ cây cam. Gia đình ông Phan Văn Việt ở thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những hộ dân gắn bó với cây cam đầu tiên ở vùng đất này. Từ năm 2001, gia đình ông đã trồng 0,5 ha cam Đường canh và cam sành. Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên hơn 2 ha.
Giai đoạn từ 2013 - 2016, vườn cam được mùa được giá, mỗi héc-ta cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng. Thế rồi, "cơn bão” dịch bệnh trên cây cam ập đến, từng luống cây ngả màu úa vàng chết khô.
Đến năm 2020 cả 2 ha cam chỉ còn thưa thớt vài cây lay lắt, ông Việt phải chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Nhìn đồi cam đã bị chặt bỏ, ông Việt buồn rầu: "Tiếc lắm nhưng chả biết làm sao vì bệnh không thể cứu chữa được, dù tôi đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện và các chuyên gia nhưng tình trạng cũng không khả quan. Từ vườn này lan sang vườn kia, có những cây hôm nay vẫn xanh tốt nhưng chỉ ngày hôm sau đã héo úa buộc lòng tôi phải chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác. Cây cam đã gắn bó với gia đình tôi cả chục năm trời. Nhờ cây cam mà cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn rất nhiều. Tâm huyết, tiền của tôi đổ dồn vào vườn cam bây giờ đành ngậm ngùi phá bỏ để cải tạo lại đất trồng cây khác vì cây cam không thể tiếp tục trồng lại được”.
Thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La - nơi được cho là có nhiều diện tích cam nhiều nhất của xã và cũng là thôn có nhiều tỷ phú nhất nhờ trồng cam. Gia đình ông Nguyễn Văn Bích là hộ tiêu biểu trong việc trồng cam cũng từng là điển hình phát triển kinh tế của địa phương với tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng mỗi năm từ cam. Thời điểm năm 2014, gia đình ông Bích có tới hơn 7 ha cam, quýt các loại. Để tạo thương hiệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm, ông Bích đã tập hợp các hộ gia đình có diện tích cam nhiều trong thôn thành lập tổ hợp tác tập trung trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng tầm và giữ vững thương hiệu "Cam Văn Chấn”.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm 5 ha cam của gia đình ông chết sạch không thể cứu vãn nổi. Bao nhiêu công sức, tâm huyết, vốn liếng đầu tư vào đồi cam mà ông Bích đành ngậm ngùi phá bỏ: "Không hiểu sao cây đang phát triển rất tốt, nhưng dịch bệnh lây lan rất nhanh, lúc đầu chỉ lác đác vài chỗ, mấy ngày sau hiện tượng đã lây lan ra cả vườn rồi toàn bộ diện tích. Mặc dù, tôi đã theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng tích cực cứu chữa nhưng những cây cam còn lại quả còi cọc, chậm phát triển. Không riêng gì gia đình tôi, cả khu vực này các vườn cam cứ đổ bệnh như nhau rồi chết”.
Đồng bộ các giải pháp
Huyện Văn Chấn được biết đến là "thủ phủ” của cây cam. Năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Văn Chấn đã chọn cây cam để phát triển. Diện tích cam trồng mới không ngừng tăng và thời điểm cam chưa bị bệnh, toàn huyện Văn Chấn có hơn 2.000 ha cam, sản lượng đạt 10.000 tấn/năm, mỗi năm xuất ra thị trường hàng ngàn tấn cam, đem lại thu nhập gần 200 tỷ đồng.
Tháng 12 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Văn Chấn”. Ngày 4/11/2022, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 5345 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00121 "Văn Chấn” cho sản phẩm quả cam khu vực địa lý các xã: Cát Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An; thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú.
Người dân ở tổ dân phố 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn chặt bỏ những cây cam bị bệnh nặng không có khả năng hồi phục.
Tuy nhiên, những địa phương nổi tiếng có diện tích trồng cam nhiều như thị trấn Nông trường Trần Phú và xã Thượng Bằng La đã dần vắng bóng cây cam. Đến nay, toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha cam. Diện tích cây cam giảm, dẫn tới sản lượng giảm, thu nhập của người trồng cam cũng giảm. Đó là thực tế của người trồng cam như ông Nguyễn Văn Bích, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La; ông Phan Văn Việt, thị trấn Nông trường Trần Phú và hàng ngàn hộ trồng cam khác.
Để giữ thương hiệu "Cam Văn Chấn”, ngày 16/4/2024, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Hà Nội và 9 xã vùng ngoài của huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo diện tích cam của huyện năm 2024. Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại diện tích cam có chất lượng với quy mô phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tạo ra sản phẩm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Diện tích trồng mới, trồng cải tạo lại năm 2024 tối đa là 100 ha, triển khai trên địa bàn các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú. Đồng thời, UBND huyện Văn Chấn giao Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội tại các xã vùng ngoài tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực tham gia cải tạo, phát triển diện tích mới và chăm sóc diện tích cam hiện có.
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Những diện tích bị nhiễm bệnh, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương chặt bỏ, cải tạo lại đất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có nguồn gốc hóa học, tuyệt đối không trồng lại cam trên diện tích đã bị chặt bỏ do nhiễm bệnh; những diện tích chưa nhiễm bệnh chỉ đạo các địa phương vận động bà con nông dân tập trung chăm sóc; những diện tích có thể phục hồi được hướng dẫn chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, vi sinh, tưới nước đầy đủ, thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không để lây lan ra cây khác, vườn khác.
Huyện đang xem xét xây dựng Đề án hỗ trợ nhân dân khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi. Cùng với việc khảo sát, quy hoạch đất đai, hướng dẫn nhân dân trồng mới, huyện sẽ hỗ trợ một phần giá cây giống để động viên nhân dân. Hiện nay, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá lại vùng trồng, nhu cầu của nhân dân, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai, để sớm khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Khôi phục và giữ vững thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn” là điều mà người dân mong mỏi ở các cấp, các ngành trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, ngoài những giải pháp của các cấp, các ngành, bản thân mỗi người trồng cam cũng cần ý thức rõ trách nhiệm của mình về việc tuân thủ quy hoạch, quy trình kỹ thuật trồng cam theo đúng hướng dẫn của huyện, của xã và ngành chuyên môn.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Trung ương... nguyên nhân gây bệnh vàng lá thối rễ là do nấm Phytophthora spp, Fusarium solani và tuyến trùng gây ra. Đây là bệnh xuất phát từ chu kỳ trồng cây ăn quả có múi, sử dụng các biện pháp thâm canh lý, hóa học triệt để, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cây cam, gây hủy hoại môi trường, không tuân thủ nguyên tắc thâm canh hữu cơ, sinh học bền vững. Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học làm hủy hoại đất. Nhiều hộ bón phân chuồng tươi chưa qua quy trình ủ hoai mục cũng gây hại cho cây. Có hộ dân thâm canh theo kiểu tận thu, vắt kiệt như khoanh gốc cho ra quả sớm, để số quả dày đặc và thiếu nước tưới làm cây cam không đủ sức đề kháng với nấm bệnh.
|
Thanh Tân