"Người nông dân thiệt thòi nhất"
Sáng 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Mức thuế suất với mặt hàng phân bón là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón, tuy nhiên cũng có đại biểu ủng hộ đề xuất như dự thảo luật mà Chính phủ đề xuất.
Theo đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An), đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân.
Theo đại biểu, việc áp thuế với phân bón sẽ giúp tăng ngân sách khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân lại phải chịu mức phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
"Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất", đại biểu nhìn nhận.
Tranh luận vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói, thuế giá trị gia tăng đang đánh vào người tiêu dùng trong đại bộ phận người dùng phân bón, thực phẩm, nông sản. Vì vậy, đề xuất này cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng.
"Khi người nông dân mua phân bón không có hóa đơn, như vậy không được khấu hao đầu vào nên việc đánh 5% thuế với phân bón là người nông dân phải chịu”, ông nói.
Đại biểu đề xuất đưa mặt hàng phân bón với thuế suất 0%, từ đó, các doanh nghiệp phân bón được khấu trừ thuế đầu vào và người nông dân không phải chịu tăng.
"Người dân đã rất cực, được mùa lại mất giá. Nếu bây giờ đánh thuế 5% người dân phải chịu nữa, tôi nghĩ là rất tội cho người dân", đại biểu cho hay.
Áp thuế để nâng sức cạnh tranh
Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, trước năm 2015, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với phân bón là 5%.
Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến phản ánh, Quốc hội đã ban hành luật, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, chuyển phân bón sang diện không chịu thuế này.
Theo ông, chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, vì họ không được khấu trừ thuế đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao và khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, phân bón nhập khẩu vẫn được hoàn thuế đầu vào, khiến giá thành sản phẩm ngoại rẻ hơn và dễ chiếm ưu thế trên thị trường.
"Bộ NN&PTNT, Kiểm toán Nhà nước, Hiệp hội phân bón cùng các đoàn đại biểu Quốc hội, đã đề nghị xem xét lại chính sách này”, ông Phớc nói. Do vậy, nội dung này được vào Luật Thuế giá trị gia tăng.
"Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có khả năng khấu trừ thuế đầu vào, giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.
Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn góp phần ổn định giá phân bón trên thị trường, từ đó giảm gánh nặng chi phí cho người nông dân”, ông Hồ Đức Phớc lý giải.
(Theo TPO)